Diễn biến xung quanh chủ trương đầu tư xây dựng hầm chui qua sông Hàn của Đà Nẵng và việc Thủ tướng Chính phủ...
Nhiều trung tâm mua bán nhà đất dựng tạm bợ đón đầu hầm chui đang trong tình trạng đóng cửa
|
Diễn biến xung quanh chủ trương đầu tư xây dựng hầm chui qua sông Hàn của Đà Nẵng và việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố làm rõ tính cấp thiết đầu tư dự án khiến giá đất khu vực bờ Đông dự án này liên tục “nhảy múa”.
Nhà đầu tư “gom đất” lo ngay ngáy
Những ngày qua, trong vai một người có nhu cầu mua đất tại các trục đường lớn trên địa bàn phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng), PV được các trung tâm giao dịch nhà đất đon đả mời chào. Nhân viên môi giới trung tâm T.H trên đường Vân Đồn (Nại Hiên Đông) chỉ tay vào tờ bản đồ, nhanh nhảu thông tin cho khách hàng danh sách gần chục lô đất từ 200-300m2 suốt dọc tuyến Vân Đồn. “Anh nên mua lô này, 10x30m, giá chỉ có 27 triệu đồng/m2. Khu này nhiều biệt thự xây lên rồi, anh yên tâm định cư”, nữ nhân viên nói.
Khi PV than đắt, cô nhân viên vội trấn an: Giá đã giảm rất nhiều so với ba tháng trước đây. Cụ thể, khi Đà Nẵng thống nhất chủ trương làm hầm chui sông Hàn, trong đó, điểm phía Đông tiếp giáp vòng xoay đường Vân Đồn khiến phân khúc đất nền tại khu vực này tăng “chóng mặt”. Lúc cao điểm mỗi m2 trên đường Vân Đồn lên đến trên dưới 40 triệu đồng và “cháy hàng” để giao dịch.
Khác hẳn với khí thế những tháng trước, hiện giá đất nền một số tuyến đường chính như: Chu Huy Mân, Trần Thánh Tông… rơi vào tình cảnh rớt giá, giảm giao dịch. Nhiều trung tâm trước đây dựng tạm bợ, được cò đất sử dụng làm nơi giao dịch đều trong tình trạng đóng cửa.
Chia sẻ với PV, anh Hà Minh (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng), một trong những khách hàng đặt mua đất bên Nại Hiên Đông đúng dịp “cao giá” tỏ ra tiếc ngẩn: Do hay tiếp xúc với các cò đất, thấy giá khu vực phía Đông hầm chui tăng từng ngày, anh đã góp gần 5 tỷ đồng mua 2 lô đất trên đường Chu Huy Mân. Sau thời gian tăng nóng, giá đất chững lại và rớt nhanh khiến anh như ngồi trên đống lửa. “Tôi vay ngân hàng đầu tư những mong có lời vì thấy họ mua nhiều quá, giờ rớt giá, nhiều khi muốn bán cắt lỗ cũng khó có ai mua”, anh Minh than thở. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều cò đất, người “lướt sóng” thị trường khi gom hàng chờ tăng giá.
Tìm hiểu của PV, ngay cả các dự án phân lô bán nền khu vực phía Đông dự án công trình qua sông Hàn đang chung cảnh rớt giá. Cụ thể, một dự án chân cầu Thuận Phước (cách vị trí dự kiến làm hầm chui khoảng 2km), giá đất hiện ở ngưỡng dưới 7 triệu đồng/m2. Trong khi đầu năm 2017, mức giá tại dự án này giao động từ 8 - 12 triệu đồng/m2. Xa hơn một chút là các lô đất thuộc phường Mân Thái, Mân Quang (quận Sơn Trà), giá đất năm 2016 trung bình từ 10-12 triệu đồng/m2, cuối năm 2016 vọt lên 25-30 triệu đồng/m2. Đến nay, giá rớt nhanh, ở mức trung bình dưới 15 triệu đồng/m2. Hay như những dự án đất nền, nhà phố dọc đường Trần Hưng Đạo, giá đất từ 45 triệu đồng/m2 đang giảm chóng mặt, xuống còn 20 triệu đồng/m2.
Thận trọng với ma trận giá
Dạo một vòng trên mạng internet, thông tin rao bán đất khu vực phía Đông hầm chui sông Hàn được quảng bá rầm rộ. Hầu hết các tin đều lấy dự án hầm chui sông Hàn làm bình phong cho việc hét giá, rao giá như “bán đất mặt tiền, đón đầu hầm chui”, “bán đất vàng cửa ngõ hầm vượt sông”… tạo nên cơn sốt “ảo”.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 27/12/2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng hầm chui qua sông Hàn với tổng vốn 4.700 tỷ đồng lấy từ ngân sách thành phố, vốn vay... Hầm chui sẽ nối thẳng từ nút giao Đống Đa - Như Nguyệt (quận Hải Châu) qua vòng xoay đường Vân Đồn (quận Sơn Trà) và dự kiến khởi công năm 2018. Tuy nhiên mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng làm rõ tính cấp thiết đầu tư dự án, nếu quyết tâm làm hầm chui, quy hoạch chung Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/12/2013 phải được điều chỉnh, bổ sung công trình ngầm...
|
Theo các chuyên gia bất động sản, việc giá đất xung quanh một dự án giao thông mới tăng cao là điều dễ hiểu, tuy nhiên nhiều người lại đang mắc lừa chiêu trò “thổi giá” của các nhóm cò đất. Ông An Bình, Trưởng phòng Marketing một công ty bất động sản tại Đà Nẵng phân tích, thời gian gần đây xuất hiện các nhóm cò đất từ 5-10 người. Các đối tượng này góp tiền mua chung nhiều lô đất, sau đó đẩy giá lên cao bằng cách mua đi bán lại, tạo giá ảo. “Ví dụ, người A bán cho người B giá 1 tỷ đồng, người B bán cho người C giá 1,1 tỷ đồng… cứ thế trong nhóm tự mua bán với nhau trên mặt giấy tờ. Khi giá lên 2 tỷ đồng thì họ bán cho người ngoài rồi ôm tiền lời chia nhau theo tỷ lệ vốn bỏ ra”, ông Bình nói.
Đồng ý kiến với ông Bình, chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên bán hàng của một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại Đà Nẵng cho rằng, giá đất phía Đông hầm chui qua sông Hàn cũng đang trong tình cảnh tương tự. Cú “tung hỏa mù” của cò đất khiến giá toàn khu vực nóng theo, người chịu thiệt duy nhất là người cuối cùng sở hữu miếng đất khi giá bắt đầu giảm.
Chị Hà cảnh báo, với những người có ý định “lướt sóng” nhà đất theo các dự án để kiếm lời nhanh thì cần phải có kinh nghiệm, nghe ngóng nhiều luồng thông tin, đối chiếu giá trước sau… trước khi quyết định vung tiền. Đối với người có nhu cầu mua đất ở thật sự, chỉ nên giao dịch tại các trung tâm nhà đất lớn, có uy tín để giảm thấp nhất rủi ro về giá, tránh mua đất ở nơi đang biến động giá mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Giao thông