Về kế hoạch xây thêm công trình qua sông Hàn để giảm ùn tắc giao thông, nhiều cơ quan quản lý của TP Đà Nẵng nghiêng về phương án xây hầm
UBND TP Đà Nẵng vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lên phương án xây cầu hoặc hầm vượt sông Hàn, vị trí giữa 2 cầu Thuận Phước và sông Hàn. Đơn vị tư vấn của Sở GTVT đã trình 2 phương án, trong đó mỗi phương án có 2 hướng tuyến.
Bốn phương án vượt sông
Theo phương án trình UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành địa phương, 2 tuyến xây cầu qua sông Hàn: Tuyến 1 từ đường Đống Đa (quận Hải Châu) sang đường Vân Đồn (quận Sơn Trà), tuyến 2 từ đường Vân Đồn nhưng thẳng sang đường Nguyễn Thị Định. Phương án xây hầm cũng có 2 tuyến tương tự trên. Trong đó, xây hầm theo tuyến 1 thì chi phí xây dựng khoảng 3.094 tỉ đồng và 143 tỉ đồng giải phóng mặt bằng. Tuyến 2 thẳng sang đường Nguyễn Thị Định, chi phí xây dựng khoảng 2.683 tỉ đồng nhưng giải phóng mặt bằng lên đến 463 tỉ đồng.
Khu vực dự kiến xây công trình vượt sông Hàn
|
Trong khi đó, nếu xây cầu vượt sông theo tuyến 1 thì chi phí xây dựng khoảng 2.515 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 239 tỉ đồng, tuyến 2 chi phí xây dựng 2.053 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng 665 tỉ đồng.
Đơn vị tư vấn cho rằng nên nghiêng về phương án xây hầm và chọn tuyến 1 nhằm giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Cũng theo đơn vị tư vấn, phương án xây hầm vượt sông tốn tiền hơn xây cầu khoảng 400 tỉ đồng.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, giải thích cần thiết phải xây thêm công trình qua sông Hàn bởi lưu lượng xe qua các cầu ở đây đã quá tải. Năm 2012, lượng xe qua cầu sông Hàn là 33.000 lượt thì năm 2015 đã tăng lên 53.000 lượt. Theo ông Trung, việc xây dựng một công trình vĩnh cửu bắc qua sông phải không ảnh hưởng đến cảnh quan 2 bờ sông và sự phát triển du lịch của thành phố.
Tại buổi họp mới đây liên quan đến xây dựng công trình vượt sông Hàn, lãnh đạo các đơn vị, sở - ngành đã nghiêng về phương án xây hầm. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, khẳng định thống nhất phương án xây hầm nhằm giữ được không gian giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước để tổ chức các lễ hội, sự kiện trên sông. Đại diện Viện Quy hoạch và Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng giữa cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước sẽ hình thành các bến du thuyền. Vì thế, xây cầu nổi sẽ hạn chế việc đi lại của tàu thuyền. Bên cạnh đó, xây hầm vượt sông cũng thuận lợi hơn cho người dân đi lại trong mùa mưa bão. Kiến trúc sư Bùi Huy Trí (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) đánh giá hầm vượt sông có nhiều ưu thế hơn về cảnh quan, hiệu quả giao thông...
Chấp nhận tốn kém để có công trình đẹp
Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhận định xây hầm vượt sông là phương án rất táo bạo. Ngoài tốn kém hơn xây cầu, hầm vượt sông còn phải tốn chi phí duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Ông Dũng cho biết TP đang bức bách về giao thông qua sông Hàn, nhất là khu vực từ cầu Thuận Phước đến cầu sông Hàn. Tuy nhiên, việc xây dựng cầu hay hầm vượt sông cần phải có giải pháp tổng thể. Trước khi đưa ra phương án, cần phải lấy ý kiến nhiều đơn vị tư vấn để có một kế hoạch cụ thể nhất. Cũng theo ông Dũng, tuyến 1 nối từ đường Đống Đa sang đường Vân Đồn thì trục giao thông sẽ quanh co. Trong khi đó, tuyến Đống Đa sang Nguyễn Thị Định sẽ trên một trục thẳng nhưng do khu vực này dân cư đông đúc nên phải tốn kém chi phí giải tỏa mặt bằng nhiều hơn. “Nên chấp nhận mức giải tỏa đền bù cao để có tuyến đường đẹp, thay vì sợ tốn kém mà giao thông không được thông suốt” - ông Dũng gợi ý.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP, đề xuất nên đưa các phương án xây hầm và cầu ra cộng đồng để lấy ý kiến.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ủng hộ phương án xây hầm vượt sông. Ông đề nghị Sở GTVT gấp rút hoàn thiện các phương án nhằm sớm trình Thường vụ Thành ủy và HĐND nhằm lấy ý kiến cụ thể để triển khai. Theo ông Thơ, nếu chần chừ thì vài năm nữa, lưu lượng xe qua các cầu sông Hàn sẽ tăng lên gây ách tắc giao thông.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ