Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vừa cho biết, từ nay đến năm 2015, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 7.000 căn hộ xã hội giai đoạn 2 và một số ký túc xá sinh viên tại các khu vực có nhiều trường đại học, cao đẳng.
“Tổng kinh phí dự kiến của các chương trình này lên đến 6.500 tỷ đồng, trong đó 2.800 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, 2.500 tỷ đồng xây dựng ký túc xá sinh viên và khoảng 1.200 tỷ đồng xây dựng nhà ở cho công nhân”, ông Viết nói.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, chính sách của Đà Nẵng hỗ trợ về vay vốn hoặc sử dụng vốn ngân sách, kết hợp với việc bao tiêu đầu ra đối với các dự án nhà ở xã hội có thể xem là điều kiện tốt cho nhà đầu tư hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng cho biết, chính sách xã hội hóa lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà xã hội của Đà Nẵng được nhiều doanh nghiệp (DN) hưởng ứng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư mới chỉ mạnh dạn đầu tư vào một số căn hộ dành cho người thu nhập thấp, hoặc ký túc xá sinh viên. Trong khi đó, nhà ở cho công nhân vẫn chưa có nhà đầu tư nào tham gia.
Theo ông Thuận, Đà Nẵng hiện có 7 khu công nghiệp (KCN), với nhu cầu về nhà ở dành cho công nhân ước tính khoảng 70.000 người. Số nhà ở do Nhà nước đầu tư hiện mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu, 95% số công nhân còn lại phải thuê nhà dân.
Để giải bài toán về nhà ở cho công nhân, trong thời gian tới, UBND TP. Đà Nẵng sẽ rà soát tìm những hộ dân quanh các KCN có quỹ đất, hỗ trợ kinh phí, với mức hỗ trợ tối thiểu 50 triệu đồng/hộ hoặc bảo lãnh cho các hộ dân này vay vốn ngân hàng, với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng phòng trọ cho công nhân.
Phương án này được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam rất ủng hộ và cam kết sẽ hợp tác, nếu TP. Đà Nẵng triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Phùng Tấn Viết cũng đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách ưu đãi mạnh hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cho công nhân. Trước mắt, Đà Nẵng đề nghị được triển khai chính sách cho người dân vay vốn ưu đãi, tự sửa chữa, xây dựng các khu nhà ở cho công nhân thuê đạt chuẩn, giải quyết trước mắt nhu cầu nhà ở của công nhân tại các KCN.
UBND TP. Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực này về vốn đầu tư, như giúp DN tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, một số tổ chức tài chính khác như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng dành 2.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, với lãi suất ưu đãi, chưa kể một số dự án được giao DN triển khai bằng nguồn vốn ngân sách. Đặc biệt, UBND TP. Đà Nẵng vừa thống nhất mua lại số lượng lớn căn hộ chung cư thu nhập thấp dành cho cán bộ, công chức của Thành phố có khó khăn về nhà ở… Đây có thể xem là điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư