Đà Nẵng chưa triển khai được chương trình nhà ở cho công nhân

Cập nhật 02/12/2015 13:22

Sáng ngày 1/12, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) do Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về chính sách nhà ở và thị trường BĐS Đà Nẵng.

Nhà ở công nhân nhiều năm trời vẫn đứng yên như thế này do doanh nghiệp không mặn mà vì cơ chế chính sách không có hỗ trợ cho doanh nghiệp để thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, phát triển quỹ nhà ở xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, giải quyết một phần chính sách an sinh xã hội, tạo bước đột phá thực hiện chính sách có nhà ở, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách đột phá để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và khai thác quỹ đất.

Theo báo cáo kết quả triển khai Chương trình phát triển nhà ở của địa phương thực hiện theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ mà Đà Nẵng đã thực hiện trong những năm vừa qua như sau:

Về nhà ở xã hội (NƠXH), bên cạnh các chủ trương, chính sách chung, Đà Nẵng đã chủ động, sáng tạo mô hình phát triển riêng theo chính sách 3 có, trong đó có “Có nhà ở”. Đây là một trong những nhu cầu cần thiết của mọi tầng lớp nhân dân, là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao mức sống của người dân, ổn định xã hội, tác động tích cực đến việc xây dựng và phát triển.

Để thực hiện được mục tiêu “Có nhà ở”, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giải quyết khó khăn về nhà ở và đã thực sự giải quyết một bước nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thuộc diện giải tỏa, gia đình chính sách, các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) và người có thu nhập thấp đang sinh sống tại trên địa bàn thành phố.

Bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố đã đầu tư xây dựng 187 khối nhà với gần 10.400 căn hộ, trong đó đã bố trí 8.319 căn, còn lại 545 căn chưa bố trí và 286 căn đang triển khai bán thí điểm. Hai dự án với 1.154 căn đang được gấp rút hoàn thành.

Đà Nẵng cũng thể hiện quyết tâm hiện thực hoá chính sách về nhà ở bằng một loạt các quy định tích cực và tạo hành lang cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội như bố trí những tại những khu vực thuận lợi, đầy đủ cơ sở hạ tầng... Đến nay, khối đầu tư này đã quyết định thực hiện 37 khối nhà với 6.040 căn hộ, trong đó đã hoàn thành đưa vào sử dụng 18 khối nhà với 1.658 căn hộ; số còn lại đang tiếp tục được triển khai.

Về Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng, năm 2014, Đà Nẵng đã hoàn thành hỗ trợ sửa chữa nâng cấp 900 nhà với tổng kinh phí 18 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ Trung ương (80%) là 14,4 tỷ đồng, kinh phí từ ngân sách thành phố (20%) là 3,6 tỷ đồng. Riêng năm 2015, thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ là 896 nhà với tổng kinh phí là 20,7 tỷ đồng.

Đến nay đã xây dựng được 701 nhà đại đoàn kết; sửa chữa nâng cấp và hỗ trợ các công trình vệ sinh cho gần 1.700 hộ; tiến hành cải tạo, sửa chữa 3 khu chung cư Thuận Phước, Hòa Minh, Lâm Đặc Sản Hòa Cường với kinh phí hơn 9,3 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Ngoài ra, thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành xây mới, nâng cấp nhà ở xuống cấp của các hộ nghèo trên địa bàn. Việc hoàn thành sớm đề án đã giúp cho nhiều gia đình rất phấn khởi vì có chỗ ở khang trang, chống chịu với thiên tai bão lũ…

Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện hoàn thiện với nhiều nguyên nhân. Mặc dù đã có các quy định của Chính phủ, của thành phố về các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho công nhân, nhưng vẫn không triển khai được. Trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất; quy mô và vốn đầu tư khu nhà ở công nhân lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư thấp, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nên không có doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, phần đông công nhân có tính chất công việc ít ổn định, mức thu nhập thấp, thói quen thích ở độc lập nên thường tự thuê nhà bên ngoài để ở, điều này gây nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách của thành phố cũng hạn chế nên việc thực hiện đầu tư dự án nhà ở công nhân hết sức khó khăn.

Trước mắt, để giải quyết vấn đề có chỗ ở cho công nhân, UBND thành phố đã triển khai việc cho các hộ dân vay với chính sách hỗ trợ để xây, sửa chữa nhà cho công nhân thuê.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng: Đà Nẵng là thành phố đi đầu trong cả nước về công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất cũng như làm rất tốt các Chương trình nhà ở trọng điểm của Chính phủ tại trên địa bàn. Những năm gần đây, Ðà Nẵng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển NƠXH, tạo điều kiện để người thu nhập thấp có chỗ ở ổn định.

Đà Nẵng đã có những quy định cụ thể cho việc xây dựng nhà ở xã hội, thể hiện quyết tâm hiện thực hoá chính sách về nhà ở bằng một loạt các quy định tích cực và tạo hành lang cơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Việc thực hiện tốt vấn đề nhà ở là tiền đề quan trọng góp phần nâng cao mức sống của nhân dân, ổn định xã hội, tác động tích cực đến việc xây dựng và phát triển.

Bên cạnh đó Đà Nẵng cần tập trung vào việc giải quyết khâu nhà ở cho công nhân. Đà Nẵng cũng cần huy động các doanh nghiệp vào cuộc để cùng chung tay với thành phố trong việc xây nhà ở cho công nhân được ổn định. Hiện tình hình đầu tư các dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay rất khó khăn, nguồn vốn ngân sách thành phố chưa đủ khả năng đầu tư các dự án này. Ban Chỉ đạo sẽ có kiến nghị để Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, phần còn lại sử dụng nguồn ngân sách thành phố và các nguồn khác để thành phố đứng ra đầu tư xây dựng cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp thuê nhằm đảm bảo nhu cầu ở của công nhân.

Tại buổi làm việc UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã có những kiến nghị đoàn công tác có ý kiến đến Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ 70% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở công nhân và 30% sử dụng vốn ngân sách thành phố; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện đẩy mạnh các thủ tục thẩm định để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến người mua nhà và các doanh nghiệp đầu tư NƠXH; bổ sung cho Đà Nẵng kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai...

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng