Sáng 11.2, Ngân hàng Thế giới (WB) và UBND TP Đà Nẵng đã chính thức khởi động dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên” với tổng vốn đầu tư 218,47 triệu USD.
Mở đô thị về hướng Nam
Theo Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng, dự án này được chia làm 4 hợp phần quan trọng, trong đó WB tài trợ 152,43 triệu USD, vốn đối ứng từ Việt Nam là 66 triệu USD, triển khai từ năm 2008 - 2013 với một khối lượng công việc khổng lồ.
Hợp phần A (nâng cấp đô thị với số vốn 52,68 triệu USD) sẽ tập trung mở rộng, nâng cấp các tuyến kiệt, hẻm, các trục đường chính cũng như xây dựng đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng tại 14 khu thu nhập thấp ở các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và Sơn Trà.
Ngoài ra, xây dựng 3 khu tái định cư: Thanh Khê Tây (Thanh Khê), Hòa Minh (Liên Chiểu) và Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn) rộng 184.000m2, quy hoạch 654 lô đất hoàn chỉnh hệ thống giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng; xây dựng 266 căn hộ chung cư và một trường tiểu học rộng 12.000m2... Hợp phần này cũng dành 1 triệu USD để Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng làm đầu mối cho các hộ nghèo vay cải tạo nhà, theo mức 15 triệu đồng/hộ trong thời hạn 5 năm, lãi suất ưu đãi.
Hợp phần B (cải thiện cơ sở hạ tầng môi trường, vốn 65,4 triệu USD) triển khai từ nay đến năm 2010 bằng việc nạo vét môi trường sông Phú Lộc dài 1.876m và xây dựng đường giao thông, thoát nước, thu gom nước thải, cảnh quan hai bên bờ; đồng thời xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các quận.
Đặc biệt, WB cũng ủng hộ chủ trương mở rộng TP Đà Nẵng về hướng Nam (Hợp phần C - 96,05 triệu USD) thông qua chuẩn y kế hoạch xây dựng cầu và hệ thống đường nối từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến phường Hòa Quý dài 6,83 km, 6 làn xe (trong đó có 3 cây cầu vượt sông: gồm cầu Nguyễn Tri Phương (dài 801,1m), cầu Tùng Lâm (113,5m) và cầu Khuê Đông (348,8m).
Tuyến đường vành đai phía Nam thành phố nối từ Quốc lộ 1A (địa phận huyện Hòa Vang) đến đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn) dài 5,1 km, rộng 33m (trong đó có cầu Hòa Phước dài 329m). Với việc đầu tư nói trên, hơn 3.500 ha đất vùng ven phía Nam thành phố thuộc các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang sẽ biến thành đất ở đô thị có giá trị cao... Hợp phần D - 4,2 triệu USD nâng cao năng lực quản lý cho các cơ quan chức năng...
Đền bù ra sao?
Ông Đặng Đức Cường - Chủ nhiệm dự án của WB - cho biết, nguyên tắc đền bù, tái định cư đối với 671 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 236 hộ phải di dời hẳn) là “tất cả người dân bị ảnh hưởng, bất kể tình trạng pháp lý đều được đền bù, được hỗ trợ nhằm cải thiện hoặc khôi phục cuộc sống, mức thu nhập”.
Cũng theo ông Cường, giá đất đền bù phải sát với giá chuyển nhượng đất thực tế trên thị trường; bồi thường nhà ở và vật kiến trúc bằng 100% giá trị xây dựng mới. Đặc biệt, việc giám sát tái định cư sẽ được triển khai thường xuyên với sự tham gia của các hộ bị ảnh hưởng (kể cả giám sát độc lập). Về phía chủ đầu tư, ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng - cho biết trong năm 2009 sẽ triển khai hàng loạt các hạng mục, đã tổ chức đấu thầu 44 gói thầu liên quan đến dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay này.
Ông Dean Cira - điều phối viên lĩnh vực hạ tầng của WB - cho rằng, đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất mà WB tài trợ cho một thành phố ở Việt Nam. “Dự án thể hiện cam kết mạnh mẽ của WB đối với sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng. Dự án là động lực để giúp người dân Đà Nẵng nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như góp phần vào sự phát triển chung ở khu vực miền Trung” - ông Dean Cira nói.
Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết khi hoàn thành dự án này, cơ sở hạ tầng TP Đà Nẵng sẽ được nâng cao, đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo được cải thiện đáng kể. "Lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao nhất để dự án hoàn thành đúng kế hoạch đề ra vào năm 2013" - ông Minh khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên