Giao dịch nhà đất ở Đà Nẵng đã rơi vào tình trạng đóng băng trong khi giá đã giảm mạnh. Khác hẳn với sự tấp nập thời kỳ cuối năm ngoái, giao dịch trên thị trường nhà đất Đà Nẵng gần như tê liệt từ đầu năm đến nay.
Trung tâm giao dịch bất động sản Đà Nẵng vắng hoe vì không có khách giao dịch. Ông Nguyễn Trí Thức - Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đang rao bán một số lô đất ven đường Sơn Trà-Điện Ngọc, sát với sân bay Nước Mặn với giá 9,5 triệu đồng/m2 nhưng rất ít khách hàng ngó ngàng tới.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở hầu hết các trung tâm giao dịch bất động sản ở Đà Nẵng. Theo anh Trần Quốc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thiên Kim, từ Tết đến nay, sàn giao dịch của Công ty cũng chỉ thực hiện thành công một vài giao dịch có giá từ 300-500 triệu đồng. “Loại bất động sản có giá trên 2 tỷ thì hầu như không có giao dịch”, anh Sơn cho biết.
Thị trường Đà Nẵng không thoát khỏi tình trạng ảm đạm chung của thị trường bất động sản cả nước. Đa phần các giao dịch ở Đà Nẵng cũng mang tính chất đầu cơ nên khi ngân hàng thắt chặt tín dụng thì giới đầu cơ đã mất đi “bầu sữa mẹ” khiến cho giao dịch nhà đất đóng băng.
Giá nhà đất ở một số đường lớn đã giảm tới 50%. Nhưng nếu so với thời kỳ sốt thì mức giảm trên vẫn chưa thấm vào đâu so với mức giá tăng. Thời kỳ thị trường lên cơn sốt cuối năm ngoái, giá nhà đất ở một số khu vực đã tăng 3-4 lần.
Ông Sơn cho biết, đắt nhất là đường Nguyễn Văn Linh, mảnh đất 100m2 lúc sốt lên đến 15 tỷ đồng, nay hạ xuống 8 tỷ đồng mà vẫn không có người quan tâm. Nhưng lúc chưa sốt, giá cũng chỉ bằng một nửa so với giá hiện nay.
Đất ở quận 3 nằm kẹp giữa biển và sông Hàn cũng đã giảm giá, mặc dù chưa giảm sâu. Trước Tết, giá đất đẹp ở đường Phạm Văn Đồng chạy từ cầu sông Hàn ra biển ở mức trên 32 triệu đồng/m2, nay giảm xuống còn 20-25 triệu đồng. Tuy nhiên, ở một số khu vực có giá 5-7 triệu đồng/m2 thì giá không giảm nhiều.
Nhưng lo nhất hiện nay là các “đại gia” bất động sản đã tìm cách xoay xở bằng cách vay tiền ngân hàng hoặc người thân để “ôm” đất lúc thị trường lên cơn sốt. Ông Sơn kể rằng, có nhiều người trước đây chỉ buôn bán máy tính, điện thoại, đèn chiếu sáng nhưng khi thấy đầu tư nhà đất có lãi trong lúc thị trường lên cơn sốt cuối năm ngoái đã tiếp tục vay mượn thêm để mua tiếp.
Ở Đà Nẵng, không thiếu gì những người bỗng chốc trở lên giàu sụ nhờ cơn sốt bất động sản cuối năm ngoái. Nay nhà đất đóng băng thì những đối tượng này đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Một số “đại gia” thì vẫn cố gắng cầm cự qua thời điểm khó khăn.
Một mảnh đất 1.500m2 trên đường Điện Biên Phủ của một đại gia trước Tết rao bán với giá 40 triệu đồng/m2, nay được hạ xuống 30 triệu đồng nhưng vẫn chưa bán được. Nếu không cầm cự được lâu, họ sẽ buộc phải hạ giá bán để trả nợ.
Thị trường đóng băng nhưng không có nghĩa là cơ hội đầu tư đã hết. Giá nhà đất ở Đà Nẵng hiện nay rẻ hơn nhiều so với Hà Nội và TPHCM nên chỉ cần bỏ ra vài trăm triệu đồng là có thể sở hữu được một mảnh đất khá đẹp. Vì giá còn thấp nên dư địa để tăng lên cũng sẽ tốt hơn nếu thị trường phục hồi trở lại.
Ông Sơn nhìn nhận, một số khu vực vẫn còn nhiều đất để đầu tư như trục đường Nguyễn Tri Phương hay khu vực quận 3.
Định hướng của Đà Nẵng là phát triển mạnh về phía Nam nên giá đất ở những khu vực này có khả năng tăng rất cao vì giá hiện tại vẫn thấp. Chẳng hạn, đất ven sông ở khu đô thị Nam cầu Tuyên Sơn hiện có giá 5 triệu đồng/m2 so với đỉnh điểm 8 triệu đồng hồi trước Tết.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân