Ngày 27-8, tại TP Đà Lạt, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và UBND tỉnh Lâm Đồng cùng nhiều chuyên gia của Hội Kiến trúc sư (KTS) VN, Viện Quy hoạch - đô thị đã tổ chức hội thảo "Tầm nhìn cho Đà Lạt hướng đến một đô thị hiện đại có bản sắc". Đến dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.
KTS Nguyễn Luận (Hội KTS VN) nhìn vào thực trạng kiến trúc hiện nay của Đà Lạt, kêu gọi: "Tài nguyên thiên nhiên của một đô thị không nhiều và ngày càng cạn kiệt. Nhất thiết phải có giới hạn phát triển nào đó để thành phố này phát triển bền vững. Nếu tầm nhìn quy hoạch phát triển Đà Lạt đến những năm 2030 không xác định được ngưỡng này thì Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt như ta hằng biết, hằng say đắm"...
Phải giữ đặc trưng "thành phố trong rừng"
Trước bối cảnh ồ ạt xuất hiện các dự án lớn về địa ốc, thương mại, khách sạn - du lịch, cùng hiện trạng cho phép bạt núi đồi đây đó hoặc phá bỏ những diện tích rừng vì những mục tiêu khác nhau, các chuyên gia dự hội thảo đã tỏ ra lo lắng cho đặc trưng "thành phố trong rừng" của Đà Lạt. Các chuyên gia đồng ý phải mở mang khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhưng với Đà Lạt rừng chính là cái làm nên sự khác biệt của đô thị này và cũng là nguồn dinh dưỡng để nuôi sống người dân ở đây (sức hấp dẫn của du lịch).
Chỉ khi Đà Lạt và rừng là một thì TP Đà Lạt mới thật sự tìm đúng con đường phát triển của mình, bởi nó là một đô thị du lịch được sinh ra từ rừng và luôn cần phải phát triển hài hòa với tự nhiên. Các KTS Phạm Tứ, Vũ Việt Anh và Phạm Thúy Ái (ĐH Kiến trúc TP.HCM) khẳng định nếu không làm được như vậy là đồng nghĩa với phát triển lệch hướng, sẽ đưa đến hậu quả xấu: không thể phát triển được, đi đến bế tắc, lụi tàn, mất cơ hội...
Hầu hết chuyên gia tại hội thảo đều lo lắng Đà Lạt rồi đây sẽ chỉ còn là một khu rừng, thay vì là một "thành phố trong rừng". KTS Khương Văn Mười (phó chủ tịch Hội KTS VN) và KTS Hoàng Thanh Thủy (ĐH Kiến trúc TP.HCM) chỉ rõ: thực chất của quy hoạch đô thị cho Đà Lạt là giải pháp quy hoạch theo kiến trúc cảnh quan tự nhiên đặc trưng của vùng đất cao nguyên, nghĩa là các đỉnh đồi, sườn đồi, thung lũng phải được tôn trọng.
Không nên phát triển nhà cao tầng
Đây là vấn đề nóng của Đà Lạt vì đang có hàng loạt dự án công trình cao tầng lớn từ 11-21 tầng ở khu trung tâm thành phố. KTS Lưu Đức Hải (cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) nêu chính kiến: "Tiếp tục phát triển các công trình đô thị tại Đà Lạt là việc tất yếu, trong đó có phát triển công trình cao tầng nhưng phải hạn chế tối đa phát triển nhà cao tầng (trên năm tầng) để bảo tồn cảnh quan đô thị".
Ông Hải phản đối triệt để việc xây dựng công trình cao tầng che chắn không gian, xây lên nhưng không mang ý nghĩa biểu tượng văn hóa. Với nhà dân, các chuyên gia đề nghị hạn chế tối đa về tầng cao (chỉ nên đến ba tầng), chỉ trích quyết liệt phát triển loại nhà ở dạng phố (phân lô) và thứ kiến trúc xa lạ với thiên nhiên Đà Lạt: mặt tiền bọc kính hoặc các vật liệu kim loại.
Các chuyên gia cho rằng Đà Lạt không thể cứ "ăn mãi vào thiên nhiên", phải biết dựa vào cái "trời cho" ấy để làm gia tăng giá trị cho Đà Lạt theo hướng chất lượng cao. Đó là hướng đến xây dựng Đà Lạt trở thành "thành phố đại học", "thung lũng Silicon", trung tâm nghiên cứu - sản xuất giống rau, hoa, trung tâm hội nghị - hội thảo quốc tế, trung tâm nghỉ dưỡng, trung tâm giải trí hàng đầu của VN và khu vực...
Theo các chuyên gia, Đà Lạt phải đi tới và hiện đại lên, nhưng phải trân trọng những di sản (quy hoạch, kiến trúc...) của người Pháp để lại.
Theo Địa Ốc TTO