Đà Lạt đang tự “băm vằm” mình!

Cập nhật 22/03/2008 12:00

Đà Lạt đang “sống vội”, đang chạy theo làn sóng đô thị hóa để rồi phá hỏng chính mình bằng nhà cao tầng, bằng phá thiên nhiên lấy đất.

Ngay đầu năm nay, người ta đã bàn việc kỷ niệm 115 năm Đà Lạt chào đời. Tôi cũng như đang độc thoại với đô thị này, ngắm nhìn cái “thành phố con gái” mà ai cũng giành “yêu” này rồi chợt giật mình: những chủ trương và thực tế xây tòa nhà cao tầng đang diễn ra sẽ biến thành phố hoa này ra sao?

Từng là niềm tự hào vĩ đại

“Những động thái hung hăng với cơ thể Đà Lạt là không bao giờ đúng!”. Kiến trúc sư, GS-TS Hoàng Đạo Kính từng nói thế với các nhà lãnh đạo TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng trước những ý tưởng và chủ trương đô thị hóa thành phố mộng mơ này như những thành phố nơi khác.

Tiến sĩ-kiến trúc sư Doãn Minh Khôi (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) từng cho rằng “cái quỹ thiên nhiên: địa hình đồi, núi, rừng thông, những mảng cỏ, hồ nước, cái lạnh điều hòa của thời tiết, những con đường uốn cong tự nhiên luôn tạo cảm xúc bất ngờ, những triền dốc thoai thoải, những góc nhìn thơ mộng là nguồn dinh dưỡng vô tận với Đà Lạt!”.

Không chỉ thế, du khách còn “tê người” hoặc da diết nhớ về những căn biệt thự ơ hờ nương náu dưới bóng thông ngàn... Tất cả những cái đó hình như là những niềm tự hào vĩ đại xưa nay của người Đà Lạt. Mất đi, hay vơi cạn, tàn phai, Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt! Nó sẽ thành Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ... cho dù hiện đại đến cỡ nào.

Những chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định, kiến trúc sư mà tôi tiếp xúc đều gặp nhau khi đưa ra những cách thức tiếp cận cho tương lai của Đà Lạt. Lật lại các bản quy hoạch Đà Lạt của Champourdy, Hébrard, Pineau, Mondet, hay Lagisquet, rồi những lập luận, ý tưởng của cố KTS người Việt tài danh Ngô Viết Thụ - người để lại nhiều công trình giá trị cho Đà Lạt mới nhận ra họ cùng một quan điểm là Đà Lạt luôn phải hòa nhập vào thiên nhiên, nương tựa và tôn trọng thiên nhiên. Cấu trúc không gian đô thị sinh ra nếp ở, nếp người. Khoảng 20 năm trước thôi, du khách còn cảm nhận Đà Lạt là xứ sở duy nhất của Việt Nam mà ở đấy con người ăn không nhanh, đi không vội, nói không hét. Cái chất Tây trộn với sự hiền hòa Việt vẫn còn.

Ưu tư trước tư duy thực dụng

Gần đây, những người dân ở độ tuổi 50-80 hay ưu tư về sự biến đổi quá nhanh ở xứ sở mình. Họ nói về những cánh rừng thông bị “xử tử” để nhường chỗ cho 600 khách sạn, khoảng 1.500 nhà nghỉ ra đời, để phân lô cấp - bán nền trên đường Bùi Thị Xuân, Bà Triệu, đồi Mai Anh, đường Phù Đổng Thiên Vương, đồi Sở Giáo dục... Những núi đồi ngày xưa được định vị rằng thế đất đai thế nào thì xây thế ấy, hình thành nên phố phường theo cung bậc thì nay được “thả cửa” san lấp.

Tư duy thực dụng lộ rõ khi nhà cửa giờ đây cũng chồm ra đến ngay sát hè phố. Đường sá nên thơ uốn lượn đã được “đại lộ hóa”. Người dân “đau” khi khu biệt thự cổ hào hoa đường Nguyễn Du - Phó Đức Chính đã được đập phá theo ý đồ của nhà đầu tư, khoác vào chiếc áo đô thị mới xa lạ mang tên “Resort HAGL”. Người dân còn nói nhiều về tư duy lòi ra mảnh đất nào là nghĩ ngay đến việc phân lô, chỗ nào cũng quy hoạch dân cư, về quỹ biệt thự cổ gần đây bị đập bỏ ồ ạt... Những khu vực bất kiến tạo, cấm xây dựng nay đột nhiên biệt thự, khách sạn lại mọc lên tỉnh queo.

Đà Lạt đang “sống vội”

Có người lo gần hơn, nói về làn sóng nhà cao tầng chưa từng thấy có dấu hiệu bùng phát. Cách đây bốn năm, trước diễn đàn “Hội nghị đánh giá đô thị Đà Lạt”, một loạt kiến trúc sư đã chỉ trích việc cho xây dựng cao tầng ở Đà Lạt, dù lúc đó căn cao nhất xuất hiện trên đường Bùi Thị Xuân mới có năm tầng. Nay có người dự báo sắp tới ta sẽ đi giữa phố phường Đà Lạt với bóng mát không phải của rặng thông mà là bóng đổ của những căn nhà chọc trời 10-20 tầng.

Một Đà Lạt từng thông thoáng êm dịu đang ngộp thở với bê-tông. Đó sẽ là lúc núi đồi biệt xứ và slogan mà các nhà lãnh đạo xưa nay quảng cáo cho xứ sở này: “Phố ở trong rừng, rừng ở trong phố” không còn hiệu nghiệm trước sự thông minh của du khách.

Thời cuộc đã biến Đà Lạt thành “sống vội”. Thi thoảng trên báo lại đưa tin học trò xứ sở “thiên đường du lịch” giờ đã biết cầm mã tấu rượt nhau và người bán hàng ở chợ Đà Lạt cũng bắt đầu nói thách... Làn sóng thực dụng có vẻ áp đảo dần lối sống lịch lãm, hồn hậu. Một thành phố có nội lực và “xa xỉ” đang... bình dân hóa. Những tấm ảnh tôi chụp về những con phố Đà Lạt 18 năm trước không như bây giờ.

Nếu tôi là lãnh đạo TP Đà Lạt (hoặc tỉnh Lâm Đồng), điều đầu tiên tôi làm là lục lạo, soát xét, đánh giá lại toàn bộ giá trị sinh lợi, làm giàu mà thành phố này đang có, rồi lập phương án giữ gìn để khai thác. Tôi sẽ không chăm bẳm quy hoạch phân lô, bán nền, “gả” vội thắng cảnh, sơn lâm cho nhà đầu tư...



Nét đặc trưng “rừng trong phố” hiếm hoi sót
lại trên đường Trần Hưng Đạo.


Qua bốn đời bí thư tỉnh ủy gần nhất ở Lâm Đồng, mỗi khi tiếp xúc, tôi đều thấy họ tự hào về những giá trị tuyệt vời của Đà Lạt và bày tỏ sẽ cố giữ cho bằng được. Nghĩa rằng không ai muốn Đà Lạt mất những gì đã làm nên nó. Vậy mà sao dung nhan phố núi mỗi ngày cứ hao gầy? Không còn những giá trị của Đà Lạt, rơi rụng dần sự quyến rũ, hấp dẫn, đường cao tốc về Sài Gòn - dù đang mở dần - không chừng thành bãi phơi cà phê, thả bò. Chuyện quốc tế hóa sân bay Liên Khương e chỉ là giấc mơ, 600 khách sạn liệu có phải rơi vào cảnh “chợ chiều”?

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhắc nhở lãnh đạo Lâm Đồng rằng: “...Đà Lạt không phải của riêng người Đà Lạt - Việt Nam chỉ có một Đà Lạt!...”.

- Hai dự án đã được chủ trương xây dựng bên hồ Đội Có (phường 2, Đà Lạt): Dự án “Công viên văn hóa - đô thị” gồm ba tòa nhà cao đến 20 tầng làm văn phòng cho thuê, thương mại, dịch vụ, khách sạn; Dự án khu Ánh Sáng đề nghị được xây bốn cao ốc 11 tầng, một cao ốc 18 tầng và một tòa nhà 20 tầng, cùng một loạt nhà biệt lập.

- Năm trước, một tòa thương mại 15 tầng đã được chấp nhận cho xây ngay “tâm” thành phố.

- Trước đó, bốn công trình đã được xây hoàn tất cao 6-8 tầng: Vietsovpetro, Golf III, Ngọc Lan (mới), và Saigon-Dalat.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu:

Phát triển cao tầng là thiển cận

Quá trình phát triển về dân số, kỹ thuật công nghiệp đã tác động không nhỏ đến kiến trúc của Đà Lạt. Cùng với các dự án mà Đà Lạt dự tính phát triển trong thời gian tới đây, với hàng loạt cao ốc mọc lên, sẽ “xé vỡ” không gian kiến trúc đặc thù của nó.

Có lẽ các nhà quản lý, quy hoạch của Đà Lạt đã nghĩ rằng Đà Lạt hiện nay có quá nhiều khoảng trống chăng? Họ có hiểu rằng những khoảng không gian đó là ý đồ quy hoạch của những nhà kiến trúc có tầm, là ý đồ để hướng đến một TP có không gian sinh thái cao nguyên đặc trưng? Phải chăng họ cứ thấy trống là đầu tư vào đó xây dựng? Nếu đúng là vậy thì họ đã lấy cái nhìn thiển cận mà đồ chiếu lên những giá trị văn hóa đã có!

KTS Nguyễn Tài My, Trường đại học Bách khoa TP.HCM:

Coi chừng lai căng

Dĩ nhiên về mặt kết cấu kiến trúc địa tầng, Đà Lạt hoàn toàn có thể xây những ngôi nhà cao tầng được. Nhưng về văn hóa đặc thù, sự đâm ngang của những công trình này sẽ làm cho kiến trúc văn hóa đặc thù của Đà Lạt bị biến dạng và dần chuyển theo hướng lai căng. Những dự án phát triển nhà cao tầng ở khu trung tâm, gần Hồ Xuân Hương đến một lúc nào đó sẽ biến hồ Xuân Hương - một phong cảnh tiêu biểu của Đà Lạt - trở thành một cái ao.

Đó là chưa nói đến khi phát triển kiểu trên cần phải phát triển thêm một hệ thống hạ tầng. Sức dồn của hệ thống này nếu quy hoạch không khéo lại băm vằm kiến trúc của Đà Lạt.



Theo Pháp Luật TP.HCM