Đã đến lúc cơ cấu lại dự án cho vừa túi người mua

Cập nhật 29/10/2012 10:00

Vấn đề giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải cứu khó khăn cho BĐS đang là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Song thực tế cho thấy chừng đó vẫn chưa đủ vực dậy thị trường và giảm tải lượng hàng tồn kho ở mức khủng bấy lâu.

Mới đây bộ Xây dựng đã có văn bản gửi đến các DN kinh doanh BĐS yêu cầu cung cấp số liệu về lượng hàng tồn kho. Trước đó, theo báo cáo từ Quỹ Dragon Capital, tại TP. HCM và Hà Nội, con số hàng tồn kho căn hộ (chưa tính số biệt thự liền kề) để bán lên đến 70.000 căn. Nếu tính trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi căn thì số vốn đang chết đứng tại các căn hộ này là khoảng 140.000 tỉ. Theo các chuyên gia, chìa khóa quan trọng nhất để phá thế đóng băng cho thị trường giai đoạn này là giải bài toán tồn kho, phải tìm đáp án cho đầu ra bằng cách nhìn nhận vào nhu cầu thực tế của thị trường.

Đã quyết tâm phải quyết liệt

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: "Nếu doanh nghiệp đã quyết tâm thì phải làm quyết liệt bằng cách hạ giá sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm để đến với người dân chứ không phải làm cái to đẹp để hình ảnh doanh nghiệp được đẹp. Còn người dân phải có trách nhiệm tìm sản phẩm phù hợp".

Nhận định vấn đề của BĐS hiện nay, TS Vũ Đình Ánh, thành viên tổ chuyên gia Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở cho rằng, thị trường nhà đất đang đóng băng ở nhiều phân khúc khiến dòng vốn rất lớn bị ứ đọng trong thị trường này. Theo ông Ánh, nguyên nhân này xuất phát từ giá nhà đất tăng quá cao trong thời gian thị trường nóng sốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quá chú trọng triển khai các dự án trung cấp và cao cấp, phân khúc ít người có khả năng mua để ở mà bỏ qua việc cơ cấu sản phẩm vào phân khúc có giá mềm hơn, phục vụ số đông.

Đưa ra giải pháp cứu thị trường, vị chuyên gia này cho rằng, các doanh nghiệp cần phải dịch chuyển thị trường vào phân khúc có khả năng thanh toán. Một trong các giải pháp đó là giảm giá để người tiêu dùng có thể tiếp cận với nhà ở. "Cần có sự tham gia tổng thể của cả doanh nghiệp, nhà nước và ngân hàng. Doanh nghiệp thì chấp nhận giảm lãi hoặc chịu lỗ, nhà nước hỗ trợ giãn thuế, điều chỉnh tiền sử dụng đất và ngân hàng ưu đãi lãi suất cho vay mua nhà để ở", ông Ánh nhấn mạnh.

Tại cuộc gặp các doanh nghiệp BĐS để tìm phương án cứu thị trường, Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, hiện số căn hộ đã hoàn thành đang tồn dư tại Hà Nội khoảng 2.400 căn. Các doanh nghiệp cần phải xem xét cụ thể số lượng căn hộ có thể chia nhỏ và xem xét hạ tầng xã hội cũng như kỹ thuật của khu vực đó để điều chỉnh cho hợp lý.

Theo Bộ trưởng Dũng, với những dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng chưa làm hạ tầng, nếu chỉ là BĐS nhà ở thì giữ lại chưa cho làm. Với những dự án đã đầu tư hạ tầng thì cho điều chỉnh dự án tăng cơ cấu nhà ở xã hội lên. "Doanh nghiệp cần tập trung cơ cấu dự án, kinh doanh BĐS phải quyết liệt hạ giá, cơ cấu lại sản phẩm, sản phẩm BĐS phải tới người tiêu dùng", ông Dũng nhấn mạnh.

Đã quyết tâm phải quyết liệt

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: "Nếu doanh nghiệp đã quyết tâm thì phải làm quyết liệt bằng cách hạ giá sản phẩm, cơ cấu lại sản phẩm để đến với người dân chứ không phải làm cái to đẹp để hình ảnh doanh nghiệp được đẹp. Còn người dân phải có trách nhiệm tìm sản phẩm phù hợp".



DiaOcOnline.vn - Theo Người Đưa Tin