Cứu thị trường địa ốc bằng... quỹ dự phòng thiên tai

Cập nhật 15/11/2008 13:00

Liệt kê hàng loạt quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dự phòng thiên tai, bình ổn giá cả... không dùng đến, các chuyên gia kinh tế cho rằng nên đánh thức nguồn tài chính đang "ngủ yên" này để hỗ trợ thị trường địa ốc.

Ngày 13/11, tại buổi tọa đàm về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô, nhiều chuyên gia kinh tế TP HCM đều cho rằng hiện nay bất động sản đang lâm vào tình thế khó khăn. Vào những tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ phải đối phó với các khoản nợ lớn đáo hạn, rất cần vốn với lãi suất hợp lý để xoay trở.

Tuy nhiên lãi suất của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn quá cao, chưa phù hợp với ngành này. Do đó, nhiều chuyên gia đã đề cập đến việc khơi dậy một quỹ SOS (khẩn cấp) để cứu thị trường.

Từng có 15 năm lăn lộn trong lĩnh vực ngân hàng, chuyên xử lý nợ xấu, đối mặt với 3 cơn sốt đất, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Kiên Long, ông Phạm Khắc Khoan nhận định, cần phải xem khủng hoảng tài chính như một cơn bão. Thông thường khi bị thiên tai phải lập quỹ và kêu gọi cứu trợ từ các quỹ tài chính thì bất động sản cũng nên cầu cứu theo cách này.

Ông Khoan phân tích, cần huy động các quỹ nhỏ đang "nhàn rỗi" vào một quỹ chung. Hiện nay có các quỹ: bình ổn giá cả, dự phòng thiên tai, bảo hiểm các loại... chẳng dùng vào việc gì, nên huy động để có nguồn tài chính ứng cứu thị trường bất động sản.

Mặt khác ông Khoan cho rằng nhiều khả năng phải vận dụng đến việc phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ ngân hàng trong việc thanh khoản. Theo ông, giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản liên quan đến nhiều bộ ngành, chậm nhất là 5-6 năm mới có thể bình ổn. Bộ Tài chính nên có chính sách miễn giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TP HCM, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng nên lập một quỹ ứng cứu bất động sản trước khi ngành này đi đến bờ vực của sự đổ vỡ.

Theo ông Ngân, Việt Nam có nhiều quỹ của các ngành nghề, thậm chí bộ nào cũng có quỹ dự phòng, thế nhưng nguồn tài chính này bị thụ động. Điều cần làm hiện nay là đánh thức các quỹ này, cho nó hoạt động, xem nguồn tài chính này như một quỹ tiển tệ tiềm năng, giúp cho bất động sản trở thành động sản.

Lãnh đạo trường Đại học kinh tế nhận xét, bất động sản đem đi thế chấp không phải là hàng hóa dễ tiêu thụ mà là hàng hóa đặc chủng, đặc hiệu rất kén khách. Do đó giải chấp hay phát mãi đều mất hết giá trị.

Hiện nay nợ xấu là bất động sản khó có thể giải quyết được một sớm một chiều. Nếu không cứu thị trường bất động sản ngay từ bây giờ thì bất động sản tiềm năng cũng sẽ bị đóng băng và bị bán tháo với giá cực rẻ. Doanh nghiệp trong nước có thể phá sản hoặc điêu đứng chỉ vì phải bán tài sản với giá quá rẻ.



Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phát
biểu tại hội thảo ngày 13/11. Ảnh: Vũ Lê.


Trong khi đó, Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng TP HCM, ông Đinh Thế Hiển lại khẳng định rằng, cái khó của thị trường bất động sản hiện nay là niềm tin. Vì không còn niềm tin nên ý chí muốn tháo chạy, thoát khỏi thị trường này quá mạnh mẽ. Chính vì vậy, bất động sản mất dần tính thanh khoản do không có đầu ra, không thể tín chấp, thế chấp, giải chấp như trước đây.

Còn chuyên gia kinh tế - chứng khoán Huy Nam lại cho rằng bất động sản đang mắc chứng dị ứng với thông tin bất thường. Đôi khi cách hành xử, phản ứng của nhà đầu tư càng làm cho tình thế trở nên xấu hơn. Theo ông, chính vì hàng loạt chính sách, cơ chế về tài chính, tín dụng chưa hiệu quả đã làm tê liệt tính thanh khoản của thị trường bất động sản.

Theo ông Nam, thị trường bất động sản là thị trường nền để làm cơ sở cho các sản phẩm khác chạy trên đó. Bất động sản ngủ thì các ngành khác cũng bị lây ngủ theo.

Chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra hàng loạt các khiếm khuyết của thị trường nhà đất Việt Nam. Chẳng hạn như sản phẩm bất động sản đơn điệu, chỉ có đất chiếm đa số nhưng cơ chế về đất đai lại nhiêu khê làm cho giá cả đội lên nhiều lần. Công ty bất động sản hầu như chỉ mua bán đất mà không sản xuất ra sản phẩm sử dụng được là nhà ở.

Cách phát triển bất động sản tại Việt Nam, theo ông Nam, phải được xem xét lại. Công ty bất động sản phải đầu tư xây dựng trên nền đất sạch nhưng thị trường lại khan hiếm đất loại này. Vì vậy, cộng thêm đầu cơ mua đi bán lại, thị trường bất động sản đổi màu thành bức tranh xám xịt, giá đội lên nhiều lần.

"Phải nghiên cứu làm sao để đối tượng tiêu thụ bất động sản là tất cả mọi người bình thường, ai cũng có niềm tin với thị trường này, lúc đó tính thanh khoản của địa ốc mới quay trở lại", ông Nam nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress