Chiều qua, 25-10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và nhiều bộ, ngành chức năng khác đã có cuộc đối thoại với các doanh nghiệp ngành xây dựng - bất động sản khu vực Hà Nội để tìm hướng ra cho thị trường đang ở hồi bĩ cực.
Nhà giá rẻ vẫn khó với...
Bất động sản giờ thừa người bán mà thiếu trầm trọng người mua
(Trong ảnh: Nhân viên sàn giao dịch đang cố chào bán căn hộ chung cư ở Linh Đàm)
Ai cũng đi vay
“Khó khăn, vướng mắc, đóng băng, sụt giảm, nợ xấu, bên bờ phá sản...” là những cụm từ được nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) nhắc tới khi phản ánh tình trạng hiện tại của mình. Được xem là “xương sống của nền kinh tế” nhưng BĐS giờ trở thành gánh nặng đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp lớn. Không đổ lỗi cho bất kỳ ai, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận, hệ quả thê thảm ngày hôm nay đã bắt đầu từ khi “dấy” lên phong trào tự phát kinh doanh BĐS. Đi đâu cũng thấy nhắc đến BĐS, nhưng số đầu cơ rất đông, chủ yếu là mua đi bán lại đẩy giá lên trong khi người có nhu cầu ở thực sự không nhiều. Khi giá BĐS xuống dốc, van tín dụng khép lại, những yếu kém cố hữu của thị trường mới bộc lộ rõ nét.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam than thở: “Doanh nghiệp ngập trong khó khăn. Chi phí đầu vào cao quá. Lãi vay ngân hàng, chi phí GPMB, giá trị quyền sử dụng đất đều cao quá. Tất cả dẫn tới giá nhà phải cao”. Ông Nguyễn Ngọc Thành cũng phản ánh thực tế: “Không chủ đầu tư nào không vay. Tôi đang vay, nợ của tôi rất đẹp nhưng nếu không được bơm thêm tiền để hoàn thành dự án thì nợ đẹp thành nợ xấu...”.
Ông Nguyễn Ngọc Thành kiến nghị: “Cần có chính sách tín dụng cho khách hàng mới. Hiện nay, ngân hàng vẫn nói có chính sách nhưng vay thực sự rất khó”. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, có nguồn vốn mới tạo hơi ấm cho thị trường, tạo ra dòng luân chuyển mới. Vị này phân bua: “Ngân hàng tương đối dư dả nhưng vấn đề là thị trường chưa hấp thụ được. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải biết tự cứu mình bằng cách hạ giá nhà”. Cũng có mặt tại cuộc đối thoại, một số ngân hàng thương mại cho biết, đã tung ra nhiều gói hỗ trợ BĐS trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Song, muốn giải ngân được, ngân hàng cũng phải xem xét các điều kiện rất cụ thể chứ không thể làm bừa. Việc thẩm định lại dự án là bắt buộc, nếu không, chính ngân hàng cũng “chết” vì bị tăng nợ xấu.
Không quyết liệt là “chết”
Chia sẻ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội thống nhất giải pháp hạn chế cung, tăng cầu cho thị trường. Trước mắt, TP sẽ tiếp tục tập trung phát triển nhà ở cho thuê, thuê mua cũng như điều chỉnh cơ cấu dự án, căn hộ. Đồng tình với ý kiến doanh nghiệp, đại diện UBND TP cho rằng: “Số liệu biết nói và chưa nhiều người dân, doanh nghiệp vay được tiền. Nếu những rào cản không sớm được tháo gỡ, tình trạng hiện nay sẽ không cải thiện được”. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích: “Thị trường đang dư cung rất lớn. Do đó, nên tính toán giãn, hoãn các dự án, cơ cấu lại rổ hàng hóa”.
“Chốt” lại ý kiến các bên liên quan, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận: “Tình hình cực kỳ khó khăn. Phải có giải pháp quyết liệt, nếu cứ bài bản, sẽ không thể giải quyết được”. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho rằng, ngân hàng vào cuộc còn khiêm tốn vì thị trường không có cầu. Ở phía ngược lại, doanh nghiệp cũng đang rất lúng túng, lưỡng lự.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc cần làm hiện nay là rà soát các dự án đi đôi với cơ cấu lại sản phẩm. Rà soát sơ bộ, TP Hà Nội có gần 2.000ha đất giao cho dự án nhưng hiện triển khai còn ít. Nhiều dự án đã GPMB nhưng chưa đầu tư công trình. Bộ trưởng lưu ý, những dự án tới nay chưa GPMB, nếu không phải là công trình bức thiết thì không nên GPMB, tránh việc thu hồi, GPMB xong lại bỏ không, gây lãng phí lớn. Kể cả các dự án đã GPMB nhưng chưa san nền cũng nên dừng lại. Trường hợp dự án đã đầu tư hạ tầng thì có thể điều chỉnh thành dự án nhà ở xã hội. Ông nói: “Chính quyền, các ngành phải cùng vào cuộc để điều chỉnh dự án. Cứu doanh nghiệp lúc này cũng là cứu dân, cứu nền kinh tế...”.
Ông Trịnh Đình Dũng cương quyết: “Nhà đầu tư phải chuyên nghiệp, quyết liệt. Đặc biệt, sản phẩm phải đến tay người dân. Mỗi doanh nghiệp hãy xem lại khả năng của mình để tái cơ cấu đầu tư, lựa chọn điều chỉnh, hay tạm dừng, cắt bỏ? Doanh nghiệp nào thiếu chuyên nghiệp mời ra ngoài...”.
Ngày 25-10, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở, với nhiều chính sách hỗ trợ người mua, giảm thuế, giảm lãi suất, tạo điều kiện về thủ tục hành chính... Bộ Xây dựng cũng khuyến nghị, với dự án có căn hộ diện tích lớn nhưng chưa bán được, có thể xem xét cân nhắc chia nhỏ căn hộ. Đây là việc nhà đầu tư phải tự cân nhắc. Dù vậy, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, đây chỉ là giải pháp chữa cháy, không phải lâu dài.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô