Trước thực trạng các vụ việc tranh chấp trên thị trường bất động sản diễn ra ngày càng nhiều, doanh nghiệp cần phải ứng xử thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế khẳng định, những con số thống kê chính thức về các vụ tranh chấp thương mại chưa phản ánh hết được vấn đề. Các vụ tranh chấp thương mại diễn ra giữa các doanh nghiệp rất thường xuyên, thị trường nào cũng nảy sinh mâu thuẫn phức tạp và rất khó giải quyết.
"Sôi động" hay "đóng băng" cũng đều rủi ro
Theo các luật sư của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tranh chấp thương mại đang diễn ra phổ biến hiện nay là do các doanh nghiệp, (kể cả Việt Nam và nước ngoài) không tìm hiểu kỹ các quy định pháp lý cũng như đối tác. Đa phần các bên lúc ký kết hợp đồng thường dựa trên mối quan hệ "thiện chí", vậy nên hợp đồng hoặc còn sơ sài hoặc không đặt ra các biện pháp bảo đảm đối với đối tác.
Luật sư Châu Duy Quang thuộc Văn phòng Luật sư LCT cho biết, hiện có nhiều tranh chấp xảy ra ở các doanh nghiệp bất động sản. Cách đây không lâu, một doanh nghiệp A đã ký kết một số hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng vay, hợp đồng bảo đảm, hợp đồng liên doanh với một nhà đầu tư Hồng Kông để cùng nhau thực hiện một dự án bất động sản tại Quận 9, TP.HCM với tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD. Theo hợp đồng, nhà đầu tư Hồng Kông sẽ góp 80% vốn điều lệ theo hình thức giá trị đền bù và tiền mặt, doanh nghiệp A sẽ góp 20% vốn điều lệ theo hình thức tiền mặt. Doanh nghiệp A có nghĩa vụ hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng khu đất trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhà đầu tư Hồng Kông giải ngân cho doanh nghiệp Việt Nam với số tiền là 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó khi đơn giá đất trên thị trường tăng mạnh, doanh nghiệp A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng. Trước tình huống này, nhà đầu tư Hồng Kông buộc phải khởi kiện doanh nghiệp A ra Tòa án Nhân dân TP.HCM, yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền 80 tỷ đồng do việc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án bác toàn bộ yêu cầu của nhà đầu tư Hồng Kông vì hợp đồng vô hiệu với lí do là doanh nghiệp A vi phạm điều cấm của pháp luật. Cụ thể là doanh nghiệp A chưa được phép triển khai thực hiện ký kết các hợp đồng huy động vốn cũng như liên doanh với các tổ chức khác do chưa hoàn thành việc giải phóng đền bù mặt bằng trên tổng diện dích dự án. Điều này đã khiến cho doanh nghiệp nước ngoài bị thiệt hại rất lớn, dẫn đến việc mất niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nếu như doanh nghiệp A đơn phương chấm dứt hợp đồng, chỉ vì giá đất tăng cao thì doanh nghiệp B lại phải "chết dở sống dở" vì thị trường đóng băng. Doanh nghiệp này đã góp 5 triệu USD trong hợp đồng hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để xây dựng, hoàn thiện một công trình bất động sản tại Hà Nội. Đổi lại, doanh nghiệp B được quyền sử dụng một số tầng trong công trình bất động sản này. Phương thức huy động tương tự được doanh nghiệp nước ngoài thực hiện với nhiều nhà đầu tư khác. Đến thời điểm phải hoàn vốn đầu tư và giao sản phẩm cho doanh nghiệp B, doanh nghiệp nước ngoài nọ không thể phân phối sản phẩm vì thị trường bất động sản bị đóng băng. Doanh nghiệp nước ngoài đề nghị cơ quan tài phán tuyên bố hợp đồng vô hiệu, vì hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật (thời điểm huy động vốn chưa xây xong cơ sở hạ tầng của dự án, hợp đồng hợp tác đầu tư vô hiệu về hình thức vì không đăng ký kinh doanh…), theo đó, doanh nghiệp chỉ đồng ý trả lại khoản tiền gốc bằng tiền Việt Nam. "Hiện nay vụ tranh chấp này vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Nếu cơ quan tài phán đồng ý thì thiệt hại cho doanh nghiệp B là gần 1 triệu USD. Hệ lụy có thể nặng nề hơn là nhiều nhà đầu tư khác cũng bị huy động và chiếm dụng vốn theo cách thức tương tự này có nguy cơ chịu chung số phận", Luật sư Quang nhận định.
Tòa án hay Trọng tài thương mại?
Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp nên vận dụng cơ chế trọng tài thương mại |
Những câu chuyện kể trên chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ tranh chấp thương mại trên thị trường bất động sản đang diễn ra hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến trường hợp trên là do cả 2 bên đều đã quá chủ quan khi thực hiện các giao dịch hợp đồng. Để giảm thiểu được tối đa tranh chấp, Luật sư Châu Huy Quang khuyến cáo: các bên khi tham gia hợp đồng, phải liệt kê ra được những căn cứ nào để loại trừ hợp đồng vô hiệu, kiểm tra xem dạng hợp đồng đó có phải đi đăng ký giấy chứng nhận đầu tư hay không… Bởi lẽ trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng thì rất vui vẻ, không đi đăng ký giấy chứng nhận đầu tư. Đến khi xảy ra tranh chấp và đưa ra tòa án thì không có "bằng cớ hợp pháp" và vì lẽ đó tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ngoài ra Luật sư Quang cũng cho rằng, cơ quan giải quyết tài sản khi thụ lý cũng cần tránh vô hiệu hóa về mọi hình thức giao dịch. Ví dụ như cần quy định xem ai là người buộc phải đăng ký hợp đồng kinh doanh, nếu thiệt hại thì căn cứ theo hình thức nào... Nếu khi xảy ra tranh chấp cần cho các bên một thời gian để hợp thức hóa hình thức kinh doanh, nếu quá thời gian đó mà không thực hiện thì cơ quan thụ lý có quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu…
Những phương án trên vẫn chỉ là đề xuất từ phía các luật sư mà thôi. Câu hỏi đặt ra trong thời điểm này là: khi xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp cần phải làm gì để ngăn ngừa rủi ro và thiệt hại? Luật sư Trần Hữu Huỳnh khuyến cáo, doanh nghiệp hạn chế đưa các vụ kiện ra tòa vì vụ việc thường kéo dài, khả năng thu hồi vốn kém. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp nên vận dụng cơ chế trọng tài thương mại vì những phán quyết của trọng tài có giá trị như một bản án và được công nhận tại 150 quốc gia trên thế giới. Thông thường một vụ kiện khi được trọng tài thương mại giải quyết, chỉ kéo dài trong vòng 5 tháng", ông Huỳnh cho biết. Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lưu Tiến Dũng, Công ty Luật hợp danh YKVN cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần đề cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của luật sư, hạn chế sự lệ thuộc vào các cơ quan giải quyết tranh chấp. Theo các chuyên gia luật, nên sử dụng trọng tài thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng mà đối tác "đơn phương chấm dứt thực hiện nghĩa vụ", viện cớ lý do hợp đồng vô hiệu hoặc các lí do tương tự bởi hội đồng trọng tài có cơ chế tiếp cận giải quyết vấn đề cởi mở, lôgic, sát với thực tiễn hơn trên cơ sở xem xét đánh giá thiện chí của các bên. Việc này sẽ hạn chế được một trong các bên trục lợi vì cách vận dụng kẽ hở của pháp luật mà bỏ qua thỏa thuận hợp đồng, xem nhẹ quyền lợi của đối tác. Với những ưu điểm đó, nên chăng đã đến lúc các doanh nghiệp thay đổi suy nghĩ của mình. Đâu phải cứ ra tòa án để giải quyết tranh chấp là tốt nhất!
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN