Cuối năm, thị trường bất động sản hồi phục?

Cập nhật 24/07/2010 09:40

Thị trường bất động sản (BĐS) 6 tháng cuối năm được dự báo sẽ sáng sủa hơn.

Tiềm năng căn hộ dịch vụ

Với nhu cầu khá lớn về nhà ở và do giá của các căn hộ chào bán lại quá cao, phân khúc căn hộ cho thuê tại TP. HCM được xem là phân khúc tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Điều đó giải thích tại sao nhiều dự án được mua dưới hình thức đầu tư căn hộ và sau đó được các chủ nhà cho thuê lại. Do đó, phân khúc căn hộ dịch vụ hiện nay đang cạnh tranh trực tiếp với căn hộ và biệt thự cho thuê lại.

Bên cạnh đó, khách châu Á chiếm đa số trong lượng chuyên gia quốc tế và du khách nước ngoài đến Việt Nam, và đây cũng là nguồn cầu chính cho thị trường căn hộ dịch vụ.


Căn hộ dưới 90 m2 hiện đắt như tôm tươi vì dễ đầu tư hoặc cho thuê. Ảnh: K.V

Còn nhiều nhà môi giới BĐS trong nước cho biết, sau khi nền kinh tế Việt Nam đã trở lại “quỹ đạo”, nhiều dự án đã và đang tiếp tục được triển khai. Vì vậy, lượng cung BĐS trong thời gian tới sẽ tăng lên.

Ông Rudolf Hever, Phó giám đốc công ty CBRE Việt Nam, cho biết do hầu hết các giao dịch thực hiện trong thời gian qua vẫn tập trung ở phân khúc căn hộ trung và bình dân, có diện tích 60 - 80 m2, giá bán khoảng 600 - 800 USD/m2, nên số lượng căn hộ chào bán sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Cụ thể, trong quý 2, nguồn cung căn hộ để bán tại TP.HCM tăng 6 dự án, khoảng 3.500 căn hộ so với quý trước đó. Ngoài ra, có 17 dự án khác được đưa ra chào bán, trong đó, dự án căn hộ trung bình (giá bán 600 - 900 USD/m2) chiếm tỷ lệ cao nhất: 11 dự án; còn lại là bốn dự án căn hộ trung cấp (800 - 1.400 USD/m2), hai dự án căn hộ cao cấp (1.900 - 2.300 USD/m2).

Trong quý 3 sẽ có 8 dự án được động thổ, dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 4.300 căn hộ vào năm 2011 - 2012, chủ yếu là căn hộ có giá trung bình.

Phần lớn nguồn cung tương lai tập trung tại Q.1, 3 (khu vực trung tâm) tương ứng chiếm 39% và 20% trong tổng nguồn cung. Phú Mỹ Hưng (Q.7) đã phát triển thành cộng đồng mới và hiện đại kéo theo nhu cầu về căn hộ dịch vụ trong khu vực này đang tăng, chiếm 16% thị phần cung tương lai.

Thị trường bán lẻ lên ngôi

Nhiều chuyên gia nhận định, cho tới nay, các đợt bùng nổ của thị trường BĐS thường cách nhau từ 5 - 6 năm (các đợt 1995-2002-2007). Do vậy, chu kỳ tăng giá sắp tới của thị trường BĐS Việt Nam ít có khả năng khởi đầu trong năm 2010.

Thời điểm thị trường tăng giá mạnh và bền vững có lẽ sẽ rơi vào năm 2011 hoặc 2012. Nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng thị trường chung cư/căn hộ cao cấp sẽ không có biến đổi nhiều trong ngắn hạn.

Một số khác thì đưa ra nhận định rằng không có thay đổi quá nhiều, tuy nhiên đối với các chung cư có mức giá phổ thông sẽ có chiều hướng tăng nhẹ do xu hướng đô thị hóa và mở rộng quy mô thành phố.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Tập đoàn Nghiên cứu Savills Việt Nam nhận xét, trái với lo lắng của hầu hết mọi người khi kết thúc quý 1 về kinh tế vĩ mô và những ảnh hưởng tới thị trường BĐS, bức tranh trong quý 2 sẽ triển vọng hơn.
Theo ông Mike Moriarty, Giám đốc Bộ phận Công nghiệp bán lẻ và Khách hàng, Tập đoàn Nghiên cứu A.T. Kearney, khu vực hấp dẫn nhất để các nhà bán lẻ toàn cầu tìm kiếm hoạt động thuộc về Trung Đông và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, thị trường đơn lẻ “nóng” nhất hiện nay cho ngành bán lẻ phát triển không nơi đâu khác ngoài Việt Nam.

Theo khảo sát của Tập đoàn này, chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, Việt Nam đã “lật đổ” cả Ấn Độ để vươn lên trở thành thị trường phát triển bán lẻ BĐS hấp dẫn nhất toàn cầu.

Theo dự báo, trong quý 2/2010, thị trường bán lẻ TP.HCM sẽ tiếp nhận thêm bốn trung tâm bán lẻ mới, đó là Vincom Center, Lotte Mart Phú Thọ, Maximark Ba Tháng Hai và Co-opmart Phú Thọ, cung cấp khoảng 112.700 m2 diện tích bán lẻ cho thị trường.

Trong đó, Vincom Center đã làm cho giá thuê bán lẻ ở khu vực trung tâm chạm tới mốc lịch sử hơn 120 USD, tăng từ mức giá khoảng 100 USD của quý đầu năm.

Giá thuê ở các khu vực ngoài trung tâm giảm nhẹ trong quý này, giảm 3,3% còn 46,2 USD/m2/tháng. Xét đến mức tăng giá ghi nhận trong quý 1, rõ ràng giá thuê của khu vực ngoài trung tâm vẫn chưa ổn định và dao động thất thường.

Hiện tại, TP. HCM có 6 trung tâm bách hóa, 19 trung tâm mua sắm, 6 khu bán lẻ khối đế, 61 siêu thị và 3 siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 602.000 m2. Trong 2010, dự kiến có khoảng 100.000 m2 nguồn cung bán lẻ mới được đưa vào thị trường.

Năm 2010 trở đi sẽ là năm đáng chú ý đối với thị trường bán lẻ khi mà trên 429.000 m2 nguồn cung mới có thể đi vào hoạt động. Trong đó, khoảng 62.100 m2 diện tích bán lẻ đến từ 9 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội vào nửa cuối 2010.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet