Cuộc thi thiết kế xây dựng Nhà Quốc hội đã chọn được phương án giải A. Đa số ý kiến bình chọn của các tổ chức chuyên môn và người dân đánh giá cao qua triển lãm trưng cầu ý kiến tại Hà Nội.
Các phóng viên đã có cuộc trao đổi với KTS Nguyễn Thị Duyên - GĐ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng NQH và Hội trường Ba Đình (mới) (BQLDA).
*Thưa bà, cuộc thi thiết kế NQH lần này là cuộc thi thứ hai và phương án đoạt giải A đã phải là tối ưu cho một công trình tầm cỡ là NQH?
- Sau khi QH ra nghị quyết về chủ trương xây dựng NQH tại Hội trường Ba Đình đã giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng (BXD) và các cơ quan liên quan: Bộ VHTT (cũ), Viện Khoa học xã hội VN và trực tiếp BQLDA tổ chức lập đầu bài để thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc. Trước đó, vào năm 2002, cuộc thi thiết kế NQH gắn với Trung tâm Hội nghị quốc gia đã được Hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) giúp hoàn thiện nhiệm vụ thiết kế và quy chế thi tuyển, chọn được 3 phương án giải A.
Nhưng sau khi chấm giải đã phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long, nên tách Trung tâm Hội nghị quốc gia xây dựng trước. Cuộc thi lần này được thực hiện công phu, nghiêm túc. BQLDA đăng thông báo mời các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tham gia không hạn chế. Có 25 tổ chức đăng ký tham gia, nhưng đến khi nộp phương án thiết kế còn 15 tổ chức với 17 phương án dự thi.
Hội đồng tuyển chọn gồm 12 thành viên - là các chuyên gia thiết kế trong nước và quốc tế. Phương án đoạt giải A lần này là phương án duy nhất được 100% thành viên HĐ bình chọn, do đã đáp ứng được một cách tốt nhất những tiêu chí mà HĐ đưa ra.
*Từ khoảng 6ha theo phương án ban đầu, lần này đưa ra phương án chỉ với 1,2ha. Một số nhà chuyên môn lo ngại rằng đây là đề bài khó?
- Tôi cũng cho rằng đây là một đề bài khó, đòi hỏi những nhà thiết kế không những có chuyên môn sâu, mà còn phải hết sức tâm huyết, chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu và phải đưa ra được phương án tối ưu theo đầu bài đặt ra. Phương án được giải A (L787) đã xử lý quy hoạch kiến trúc phù hợp với quy hoạch tổng thể, phù hợp với khu vực bảo tồn di tích Hoàng thành. Đây chính là điểm nổi bật của phương án này so với các phương án khác.
Tôi không cho rằng diện tích đất 1,2ha là không gian hẹp, mà chỉ là diện tích xây dựng. Ngoài ra, không gian cảnh quan rộng gần 22ha, bao gồm quanh NQH, không gian quảng trường Ba Đình, đường Bắc Sơn, khu vực Bộ Ngoại giao (sau này sẽ chuyển giao thành nơi làm việc của QH), nếu xử lý hài hoà với kiến trúc khu vực cần bảo tồn là Hoàng thành thì sẽ là một không gian mở, rất thoáng chứ không hẹp, tuy khoảng lùi của toà nhà QH so với đường Độc Lập là không nhiều.
*Vẫn có những ý kiến cho rằng, phương án giải A chưa đáp ứng được mong muốn về một NQH - biểu tượng quyền lực cao nhất quốc gia - phải là công trình để đời. Hơn nữa, ta lại phá bỏ Hội trường Ba Đình là nơi ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của đất nước?
- Việc quyết định lựa chọn vị trí xây dựng NQH đã được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và QH khoá XI kỳ họp thứ 11 đưa ra thảo luận và ra nghị quyết xây dựng công trình. Cuối cùng, phương án được lựa chọn là NQH được xây dựng tại lô D trung tâm chính trị Ba Đình. Đối với phương án L787 đã có 40% số phiếu thống nhất với lựa chọn của HĐ tuyển chọn.
Ngoài ra, 29% số phiếu bầu cho phương án không được giải (C568). Các phương án khác chỉ được từ 2-11% số phiếu bầu. Chúng tôi đang tiếp tục xin ý kiến nhân dân tại 2 cuộc triển lãm được tổ chức tại TPHCM (từ 2 - 9/10) và tại Đà Nẵng (từ 14 - 20/10).
Kết quả triển lãm tại TP.Hồ Chí Minh, đến ngày 5/10 có 66% số phiếu chọn phương án L787. Tuy nhiên, phương án đoạt giải A đều được HĐ tuyển chọn và ý kiến các tổ chức, cá nhân tham gia triển lãm cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện. Hiện chúng tôi đang tập hợp các ý kiến để ra yêu cầu tác giả nâng cấp. Sau đó, phương án sẽ được BXD lấy ý kiến các nhà chuyên môn và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
* Xin cảm ơn bà.
Theo Lao Động