Cuộc đua giảm giá trên thị trường căn hộ Hà Nội

Cập nhật 30/09/2012 08:40

Có những dự án bất động sản “tồn kho”, giá đã được giảm xuống đến 30- 40% nhưng thị trường vẫn chỉ chuyển động ở bên bán. Mặc dù được giới thiệu chào bán ở giá gốc, thậm chí là cắt lỗ dưới giá gốc để trả nợ ngân hàng nhưng người mua vẫn chờ đợi một con số thực hơn…

“Tồn kho” bất động sản (BĐS) không ngừng gia tăng với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ vẫn đang nằm bất động. Trước viễn cảnh thị trường được đánh giá sẽ còn khó khăn kéo dài, hàng loạt chủ đầu tư, các nhà đầu tư thứ cấp buộc phải giảm giá ở khắp các phân khúc để thoát hàng. Có những dự án, giá đã được giảm xuống đến 30- 40% nhưng thị trường vẫn chỉ chuyển động ở bên bán. Mặc dù được giới thiệu chào bán ở giá gốc, thậm chí là cắt lỗ dưới giá gốc để trả nợ ngân hàng nhưng người mua vẫn chờ đợi một con số thực hơn.

Nhà đầu tư thứ cấp đua nhau giảm giá

Chung cư Dương Nội là một dự án tiềm năng, có vị trí đắc địa, liền kề, khớp nối với huyện Từ Liêm, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Khu Liên hợp thể thao Quốc gia, khách sạn Keangnam 70 tầng, siêu thị Big C... Liền với đô thị này về phía Tây Nam là Khu đô thị mới Văn Khê, giao thông thuận tiện nối dự án đến các trung tâm huyết mạch của Thủ đô bằng con đường Lê Văn Lương kéo dài.

Người mua nhà vẫn chờ một con số giá thực hơn trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn kéo dài.

Thời điểm mở bán, giá của chủ đầu tư là trên dưới 20 triệu/m2, thế nhưng hiện tại, trong bối cảnh thị trường được dự báo sẽ còn khó khăn kéo dài, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã liên tục giảm giá. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận giảm tới 40% nhằm bán được hàng. Sàn BĐS Trực tuyến tại địa chỉ tòa nhà CT3A - Mễ Trì Thượng hiện đang chào bán hàng loạt căn hộ tại các tòa nhà CT7, CT8, HH02 dự án Dương Nội nhiều loại diện tích từ 55 đến hơn 100m2 với giá từ 12 đến 20 triệu đồng/m2. Một căn hộ 86m2 tại tòa nhà CT8C, hiện đang được chào bán với giá chỉ 12 triệu đồng/m2.

Nhân viên Huyền Diệu ở sàn này cho biết, căn hộ này nhà đầu tư trước mua với giá 20 triệu đồng/m2, đã đóng được 30% tiền theo tiến độ, nhưng hiện chấp nhận cắt lỗ tới hơn 30%. Cũng tại tòa nhà CT8C, một căn hộ 86m2 khác tầng 22 căn 08, giá hợp đồng là 23,147 triệu đồng/m2 cũng đang được một nhà đầu tư chào bán với giá 12,5 triệu đồng/m2, đã đóng 70% tiền theo tiến độ.

Thị trường BĐS sẽ còn khó khăn kéo dài.

Thời điểm mở bán, với mức giá khoảng 15 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), dự án Tân Tây Đô tại huyện Từ Liêm do Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát là chủ đầu tư cũng được rất nhiều người quan tâm bởi giá cả hợp lý. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hàng loạt nhà đầu tư thứ cấp cũng đang “nhiệt tình” chào bán với mức giá chỉ khoảng 13 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp phải giảm giá để tự cứu mình

Một trong những dự án đang được quan tâm nhất hiện nay đó là dự án chung cư Đại Thanh do Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu làm chủ đầu tư. Sau khi mở bán đợt đầu tháng 7/2012 với mức giá từ 14 triệu đồng/m2, dự án này đã hâm nóng được phân khúc chung cư giá rẻ. Cách đây vài ngày, đơn vị này lại tiếp tục mở bán đợt 2 dự án Đại Thanh với mức giá giảm xuống chỉ còn từ 13 triệu đồng/m2. Với mức giá chỉ từ 470 triệu đến 1 tỷ đồng/căn hộ lại được đóng tiền chia làm nhiều đợt, cảnh tượng nhiều người xếp hàng như lần mở bán đầu để được mua nhà tại dự án này cũng là điều dễ hiểu.

Theo ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ, thị trường lâu nay chủ yếu là nhà đầu tư thứ cấp nên giá bị đẩy lên quá nhiều. Người có nhu cầu ở thực không đáp ứng được khả năng tài chính. Những dự án có mức giá phù hợp với túi tiền trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay chắc chắn vẫn thu hút được nhiều người quan tâm, bởi nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay vẫn rất lớn. Theo quan điểm của ông Hưng, thị trường BĐS chắc chắn sẽ còn khó khăn kéo dài, do đó doanh nghiệp muốn bán được hàng thì bắt buộc phải chấp nhận giảm giá nữa.

Tại hội thảo “Thị trường BĐS cơ hội và giải pháp” vừa được tổ chức tại Hà Nội trung tuần tháng 9 này, ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn ít có khả năng phục hồi trong năm 2013, do đó doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách chấp nhận cắt lỗ, thậm chí đến 50% để tồn tại. Phải giảm giá bán, bán dự án giá thấp để giải quyết triệt để hàng tồn kho. Làm nhỏ nhất sản phẩm như chấp nhận giảm mật độ xây dựng, diện tích xây dựng, giảm tầng xây dựng, tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng để đáp ứng được khả năng chi trả của người mua. Còn TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay, doanh nghiệp nào kém thì tất yếu sẽ bị đào thải, giá cả cũng sẽ do tự bản thân thị trường quyết định.

Thị trường BĐS sẽ còn khó khăn kéo dài nhưng đây cũng là thời điểm để sàng lọc doanh nghiệp, làm cho thị trường minh bạch hơn, đưa giá BĐS trở về với giá trị thực. Thời điểm này, doanh nghiệp nào giảm giá sớm nhất thì có thể bán được hàng sớm hơn, để có vốn tái đầu tư. Nếu chần chừ, đến thời điểm tất cả đồng loạt giảm giá mạnh thì lúc đó bán cũng khó.

Sản xuất sắt thép, xi măng đình trệ do bất động sản trầm lắng

Thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, ngành xây dựng ngưng trệ đã kéo theo một loạt ngành sản xuất vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng đình đốn theo. Số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, đến hết tháng 8, lượng thép tồn kho là 315.000 tấn, lượng thép sản xuất và tiêu thụ đã giảm sút gần 10% so với năm trước. Trong 8 tháng đầu năm, ngành Thép chỉ sản xuất được hơn 2,98 tấn, so với năng lực sản xuất thép xây dựng của ngành lên tới là 11 triệu tấn/năm, thì công suất ngành Thép chưa đạt 1/3.

Trong khi đó, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã thông tin, phải sản xuất, tiêu thụ đạt ít nhất 420 ngàn tấn/tháng, 5 triệu tấn/năm thì các DN mới có thể đảm bảo hoạt động ổn định. Vì vậy, với sản lượng thấp như những tháng gần đây, nhiều DN thép đang rơi vào tình trạng hết sức bi đát. Sau sắt thép xây dựng, xi măng cũng không nằm ngoài tình trạng này. Theo thông tin từ Hiệp hội Xi măng, tháng 8 vừa qua, tiêu thụ xi măng có tăng hơn nhưng cũng chỉ đạt khoảng 4,15 triệu tấn, bằng hơn 1/2 công suất hiện có.

Trong khi năng lực sản xuất một năm trung bình là 70 triệu tấn, dự báo rằng, năm nay sẽ chỉ tiêu thụ được khoảng 46-47 triệu tấn. Cộng với lượng xi măng xuất khẩu đạt khoảng 7 triệu tấn, vẫn còn trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được. Theo thông tin từ Hiệp hội Xi măng thì đã có tới cả trăm DN trong lĩnh vực này gặp khó khăn hoặc lâm vào cảnh thua lỗ.

Đ.T.



DiaOcOnline.vn - Theo CAND