Ðã lâu lắm, thị trường địa ốc mới thấp thoáng những mảng mầu tươi sáng. Các dự án từ phân khúc cao đến thấp đua nhau bung hàng. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện cảnh sang suất hưởng chênh lệch. Câu chuyện thâu tóm, mua lại những dự án "đắp chiếu" bắt đầu sôi động. "Nhịp đập" thị trường đang từng bước hồi sinh tích cực.
Ðiểm nhấn lớn nhất của thị trường bất động sản (BÐS) TP Hồ Chí Minh trong năm 2014 là mua lại dự án, chuyển đổi căn hộ. Ðây cũng chính là cách "đào thoát" của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn. Trong số 689 dự án ngừng triển khai, thành phố đã cho chuyển đổi tám dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội (NOXH), cơ cấu lại căn hộ lớn thành hơn 7.600 căn hộ vừa và nhỏ,... Nhiều tên tuổi mới đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, như: Hưng Thịnh Corp (mua lại hàng loạt dự án "chết"), N.H.O (xây dựng hàng nghìn căn hộ giá rẻ),... cùng nhiều phương án kinh doanh mới linh hoạt, hấp dẫn. Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, lượng BÐS tồn kho tại thành phố những tháng cuối năm có dấu hiệu giảm mạnh, nhu cầu mua nhà của người dân tăng cao. Trong 11 tháng của năm 2014, hơn 3.000 căn hộ được bán ra thị trường, trên tổng số gần 14.500 căn tồn kho vào cuối năm 2012. Riêng trong hai tháng 10 và 11 năm 2014, hơn 1.230 căn hộ tồn kho ở TP Hồ Chí Minh tìm được chủ, gần bằng 65% số lượng tồn kho bán ra trong chín tháng trước đó. Số căn hộ tồn kho còn lại tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ có diện tích lớn (hơn 70 m2, vị trí không thuận lợi hoặc chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật,...).
Thị trường BÐS ở TP Hồ Chí Minh cũng là nơi bị tác động bởi các chính sách nhiều nhất, nhất là gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Tính đến tháng 11-2014, các ngân hàng đã cam kết cho vay 1.658 hợp đồng với tổng hạn mức tín dụng đã ký kết gần 1.400 tỷ đồng. Nhiều dự án, người dân tiếp cận được gói hỗ trợ rất dễ dàng như dự án Hưng Ngân (quận 12) có 550/600 khách hàng được giải ngân, dự án Ehome có 400 khách hàng được giải ngân. Các tiêu chí để được hỗ trợ từ gói 30 nghìn tỷ đồng đã được nới lỏng, cởi mở hơn, thậm chí các dự án nhà thương mại đều có thể vay được gói tín dụng với số tiền không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Do vậy, tiến độ giải ngân của gói tín dụng tăng lên, chủ đầu tư, khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, chính sách này cũng tạo ra nỗi lo mới đối với các dự án NOXH, đánh mất sự "độc tôn", lợi thế của các dự án NOXH. Cán cân trong cuộc đua giữa nhà ở thương mại giá rẻ và NOXH đang dần nghiêng về phía nhà thương mại giá rẻ. Nhiều doanh nghiệp trước đây khó khăn lắm mới được phép chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang NOXH, nay lại làm đơn xin chuyển từ NOXH về nhà ở thương mại với lý do: không bán được! Xét cho cùng, chính sách tốt đã tạo sức bật, kéo giá thành BÐS dần về đúng giá trị thực, tăng tính thanh khoản trên thị trường, có lợi cho người dân. Ðây mới là điểm cốt lõi mà gói hỗ trợ nhà ở hướng tới.