Bên cạnh những khách hàng đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, có không ít khách hàng đấu tranh lấy 'danh tiếng' để trục lợi riêng.
Đấu tranh xong đòi bán nhà giá cao
Hầu hết các dự án tại Hà Nội, cứ đến sát thời điểm bàn giao nhà thường xảy ra mâu thuẫn giữa khách hàng và chủ đầu tư, nhưng thay vì đối thoại, tại nhiều dự án cư dân đã xuống đường căng băng rôn biểu tình, thậm chí đấu tranh quyết liệt khiến sự việc trở nên căng thẳng.
Bên cạnh những khách hàng bức xúc và mong muốn được đối thoại với chủ đầu tư để làm rõ vấn đề, thì cũng có rất nhiều khách hàng kích động, xúi giục người dân, đẩy sự việc trở nên căng thẳng.
Chia sẻ với phóng viên VTC News, chủ đầu tư một dự án ở Hà Nội cho biết, khi dự án của ông vừa tiến hành bàn giao nhà cho khách, cũng vấp phải sự phản đối của các cư dân.
Hàng loạt cuộc đấu tranh giữa các cư dân và chủ đầu tư diễn ra gần đây.
Điều đáng nói có những cư dân sau khi chủ đầu tư giải thích đã thông cảm, nhưng sau đó bị lôi kéo, kích động lại tham gia biểu tình, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư.
Sau đó, chủ đầu tư có làm việc với vị khách hàng được cư dân cử làm đại diện. Vị này ban đầu rất quyết liệt đòi các quyền lợi cho cư dân. Nhưng sau khi chủ đầu tư xuống nước, anh ta lại yêu cầu trả nhà và khi chủ đầu tư nói sẽ mua lại với giá hợp đồng, thì anh ta không đồng ý, tiếp tục dọa sẽ đấu tranh.
"Khách hàng này đã yêu cầu chủ đầu tư mua lại nhưng theo giá thị trường căn hộ của anh ấy. Nhưng vì muốn yên chuyện, nên chúng tôi đành phải đồng ý", vị đại diện chủ đầu tư này cho biết.
Giám đốc đối ngoại 1 dự án khác cũng cho biết: "Dự án của công ty tôi vừa đi vào hoạt động, có một nhóm người tự xưng là cư dân đến đấu tranh, sau đó đưa ra yêu sách đòi được bán lại nhà cho chủ đầu tư với giá cao.
Chúng tôi không đồng ý thì họ quay ra đòi được giảm phí, miễn phí chỗ gửi xe và được là 1 thành viên của ban quản trị".
Đấu tranh để thành “ông vua con”
Anh Hải - cư dân sống tại chung cư Sunrise Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) từng bức xúc viết đơn phản ánh lên báo điện tử VTC News về việc vị trưởng ban quản trị tòa nhà "lộng quyền", hành dân.
Cụ thể, vị trưởng ban đại diện này ngang nhiên cho thuê diện tích sử dụng chung mà không hỏi ý kiến cư dân, tự ý bịt cửa thoát hiệm làm kiot cho thuê, gây nguy hiểm cho tính mạng của cư dân.
Điều đáng nói, vị trưởng ban đại diện này là người do cư dân tin tưởng bầu ra đấu tranh với chủ đầu tư trước đó, sau khi chủ đầu tư rút khỏi tòa nhà, vị trưởng ban quản trị này lập ra ban quản trị mới đứng ra quản lý toàn bộ tòa nhà thay cho chủ đầu tư.
Bức xúc trước việc thu chi không minh bạch, lấn chiếm diện tích chung, cư dân tại chung cư này đã nhiều lần họp để bầu ra ban quản trị mới, nhưng đều thất bại. Lý do đều là không đủ 50% cư dân nên không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư. Được biết, nhiều căn hộ tại dự án này đã cho thuê lại, nên việc tổ chức hội nghị rất khó khăn.
"Ban đầu, khi đấu tranh chống lại những sai phạm của chủ đầu tư thì vị trưởng ban quản trị hiện tại là một trong những thành viên tích cực nhất. Do tin tưởng, nên khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư, các cư dân đã bầu vị này lên trưởng ban quản trị với số phiếu rất cao. Nhưng sự thật sau khi nắm quyền, người này đã trở thành "ông vua con" tại chung cư", anh Hải bức xúc tâm sự.
Theo bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, thực tế, trong số các cư dân đấu tranh, có thể có những người tâm huyết thực sự nhưng cũng có người muốn trở thành thành viên của ban quản trị với mục đích riêng.
Đâu đó cũng có người nhưng vậy, nhưng rất khó để phát hiện ra. Bởi lẽ, họ thường là những người đưa ra những hành động, những nhận xét, những đòi hỏi mang tính chất là giành quyền lợi cho người dân. Những người như vậy thì cư dân nghĩ rằng là những người đứng ra đòi quyền lợi cho mình.
“Thực ra có rất là nhiều người tốt nhưng cũng có những người trục lợi cho mình”, bà Hạnh cho hay.
Bà Hạnh cũng lấy dẫn chứng, tại chung cư Văn Phú Victoria, đợt vừa rồi cư dân cũng bức xúc với ban quản trị do chính họ tin tưởng bầu ra, vì có những người vụ lợi sử dụng quỹ không đúng mục đích.
Bà Hạnh cũng cho biết, thực tế các cư dân đều không ai muốn đối đầu hay gây sức ép với chủ đầu tư, căng băng rôn là cách thức họ buộc phải làm cuối cùng khi không thể đối thoại được với chủ đầu tư. Còn đa số cư dân đều hiền hòa và thích xu hướng đối thoại.
DiaOcOnline.vn – Theo VTC