Cuộc chạy đua vào khu đất "vàng"

Cập nhật 22/03/2008 08:00

Cuộc đấu thầu khu đất "vàng" Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) vẫn chưa có kết quả chính thức nhưng đã có khá nhiều dư luận xung quanh việc này.

Bốn "đại gia" vào cuộc

Khu tam giác Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo có diện tích hơn 13.000m2 nằm cạnh Công viên 23.9 được xem là có vị trí đắc địa và lý tưởng nhất tại khu vực trung tâm TP.HCM. Chính vì vậy, dù giá sàn đưa ra để mời thầu là 4.700 tỉ đồng nhưng có đến 27 đơn vị nhận hồ sơ dự thầu đăng ký tham gia. Sau đó chỉ có 4 đơn vị nộp hồ sơ dự thầu.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng ban hành quy định đấu thầu đối với khu đất này, trong đó có một số tiêu chí cụ thể: thang điểm tối đa là 100, trong đó tiêu chí cao nhất là năng lực tài chính (50 điểm), ý tưởng dự án (30 điểm), còn lại là các tiêu chí về kinh nghiệm đầu tư, quản lý dự án... Những nhà đầu tư đạt từ 70 điểm trở lên sẽ được đưa vào danh sách ngắn.

Theo ông Nguyễn Đắc Toàn, Phó phòng Phát triển hạ tầng Sở KH-ĐT và cũng là chuyên viên theo dõi quá trình đấu thầu khu đất trên, hồ sơ mời thầu quy định rõ: "Nhà đầu tư được đề nghị trúng thầu là nhà đầu tư có tên trong danh sách ngắn, có giá đánh giá lớn hơn hoặc bằng giá sàn và có tổng giá trị cam kết hỗ trợ cho ngân sách thành phố lớn nhất".

Theo ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở KH-ĐT và cũng là Phó chủ tịch Hội đồng đấu thầu của dự án, những vấn đề liên quan đến giá dự thầu, cam kết hỗ trợ ngân sách đều được "chốt" lại trước khi đóng thầu, được xác định là 8 giờ sáng 17.12.2007.



Trường Trung học Ernst Thalmann sẽ được di dời sau khi triển khai dự án .


Sau khi cuộc mở thầu được tổ chức cũng trong sáng 17.12.2007, một tuần sau, ngày 24.12.2007 Công ty cổ phần Khánh Gia, trong liên danh Khánh Gia - Ssangyong - Doosan - Punkyung (KSDP) có văn bản gửi Hội đồng đấu thầu kiến nghị xem xét lại một số điểm về vụ đấu thầu như: Có phải nhà đầu tư bỏ thầu cao nhất xem như đương nhiên trúng thầu và không cần xem xét các yếu tố liên quan khác như trong hồ sơ mời thầu quy định? Có phải nhà đầu tư có số tiền hỗ trợ cho ngân sách cao nhất sẽ được chọn là nhà đầu tư của dự án, không cần xem xét đến các chi phí còn lại trong tổng vốn đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện thành công dự án?

Công ty Khánh Gia đề nghị: "Giá trị hỗ trợ cho ngân sách TP không nằm trong các khoản chi phí để cấu thành nên tổng mức đầu tư của dự án thì không thể đạt được một tiêu chuẩn để xem xét và trong hồ sơ mời thầu cũng không quy định cho nội dung này.

Tuy nhiên, nếu nội dung này được Hội đồng đấu thầu xem xét thì liên danh KSDP xin được bổ sung cho việc hỗ trợ ngân sách trong tương lai". Sau đó, ngày 22.2.2008 Công ty Khánh Gia tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến Thành ủy, UBND TP.HCM đề nghị xem xét lại các vấn đề liên quan đến những khía cạnh pháp luật trong vụ đấu thầu nói trên.

Hội đồng đấu thầu nói gì?

Ngày 21.3, ông Lư Thanh Phong cho biết: "Sau khi mở thầu ngày 17.12.2007, ngày 4.1.2008 chúng tôi đã trình kết quả đấu thầu cho cơ quan thẩm định (cũng do Sở KH-ĐT TP.HCM phụ trách). Sau đó, khi đã có kết quả đấu thầu, kết luận thẩm định, ngày 11.1.2008 Hội đồng đấu thầu chuyển toàn bộ hồ sơ đấu thầu lên UBND TP.HCM xem xét quyết định.

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản yêu cầu Sở Tư pháp TP.HCM rà soát lại toàn bộ các văn bản, quy trình liên quan đến vụ đấu thầu này và trong nay mai, Sở Tư pháp cũng sẽ có văn bản báo cáo UBND TP.HCM. Trước đó, khi Công ty Khánh Gia khiếu nại, Hội đồng đấu thầu đã có văn bản trả lời, đồng thời báo cáo UBND TP.HCM toàn bộ những giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ đấu thầu này".

Về các vấn đề mà Khánh Gia khiếu nại, được sự ủy nhiệm của ông Lư Thanh Phong, ông Nguyễn Đắc Toàn đã trao đổi với Báo giới: "Vấn đề hỗ trợ cho ngân sách TP, như tôi đã trình bày, tại trang 55 của hồ sơ mời thầu có quy định rõ như đã nói ở trên. Hồ sơ mời thầu hoàn toàn không bắt buộc nhà đầu tư phải hỗ trợ ngân sách (không có điểm liệt hoặc bị loại đối với nội dung này).

Nhà đầu tư có giá trị hỗ trợ ngân sách chỉ được đề nghị trúng thầu khi đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khác mà hồ sơ mời thầu quy định chứ không phải là điều kiện duy nhất để chọn nhà đầu tư. Như vậy, hồ sơ mời thầu hoàn toàn không quy định chỉ lấy tiêu chí hỗ trợ ngân sách TP là tiêu chí duy nhất như Công ty Khánh Gia đã nêu".

Những rắc rối của vụ đấu thầu khu đất Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đang chờ ý kiến quyết định từ UBND TP.HCM. Trước mắt, vẫn chưa có đơn vị nào thắng thầu, nhưng có lẽ đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng trong việc tổ chức đấu thầu hàng loạt khu đất "vàng” sau này tại TP.HCM.

Khi mở thầu, liên danh Lê Đại Nam - BĐS dầu khí Việt Nam - Rockingham Asset Management - Tài chính dầu khí VN - Tổng công ty xây dựng số 1 có giá dự thầu trên 10.526 tỉ đồng, sau đó tăng giá dự thầu lên thêm 62 tỉ đồng, cam kết hỗ trợ ngân sách TP 328 tỉ đồng; liên danh này cũng cam kết thêm sẽ hỗ trợ ngân sách TP 600 tỉ đồng trong 30 năm (mỗi năm 20 tỉ đồng).

Liên danh Khánh Gia - Ssangyong - Doosan - Punkyung có giá dự thầu trên 7.148 tỉ đồng, hỗ trợ ngân sách TP 360 tỉ đồng, hỗ trợ quỹ phúc lợi quận 1 là 36 tỉ đồng. Liên danh REE - HOCICO - SAVIMEX có giá dự thầu hơn 4.725 tỉ đồng, sau đó tăng thêm giá dự thầu trên 874 tỉ đồng và hỗ trợ ngân sách TP hơn 375 tỉ đồng.

Liên danh cuối cùng là Thái Sơn - BIDV - BIDV Land - Chí Thành - Ánh Dương - Hanwha Galleria có giá dự thầu trên 5.118 tỉ đồng, sau đó tăng thêm giá dự thầu 1.700 tỉ đồng; phần hỗ trợ ngân sách TP ban đầu chỉ có 200 tỉ đồng nhưng sau đó tăng thêm 1.700 tỉ đồng, tổng cộng là 1.900 tỉ đồng.


Theo Thanh Niên