Cùng lo nhà ở cho người lao động

Cập nhật 14/04/2010 11:40

Nhà ở - một nhu cầu thiết thân của người lao động (NLĐ) lâu nay vẫn là mối quan tâm hàng đầu của tổ chức Công đoàn (CĐ). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những bất cập về cơ chế, chính sách mà vấn đề nhà ở cho NLĐ, nhất là NLĐ có thu nhập thấp vẫn còn quá nhiều khó khăn. Tổ chức CĐ đã và đang tích cực triển khai những giải pháp để giúp ngày càng nhiều NLĐ sớm được "an cư, lạc nghiệp"...


Khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Anh Phan

Nhà ở - giấc mơ của người lao động

Trước đây anh Đào Thanh Tịnh, công nhân Tổ xếp goòng, Công ty cổ phần Gạch Viglacera Xuân Hòa không dám nghĩ đến một ngày anh và vợ con lại được ở trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi mà không mất tiền thuê. Nhưng, nhờ sự quan tâm của Ban lãnh đạo và CĐ cơ quan, điều không thể của anh lại thành hiện thực. Làm việc tại công ty 8 năm, anh Tịnh mất 3 năm phải đi thuê nhà ở, nên không dám đưa vợ con ra ở cùng. Nhưng từ khi được công ty bố trí chỗ ở, gia đình anh đã chuyển về sống ổn định. Với sự đãi ngộ của công ty, ổn định về tâm lý anh Tịnh liên tục phấn đấu đạt danh hiệu Lao động xuất sắc.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Công ty cổ phần Gạch Viglacera Xuân Hòa cho biết, để giúp NLĐ yên tâm công tác, hiện nay công ty đã dành 13ha đất, xây dựng được 300 căn hộ, với diện tích mỗi căn là 74m2 cho gia đình công nhân ở. Ngoài ra, công ty xây một nhà trẻ để giúp các gia đình công nhân có con nhỏ tiện gửi con, yên tâm làm việc. Nhờ chế độ ưu đãi này, công ty không bao giờ lo biến động về lao động và ngày càng có nhiều công nhân xuất sắc trong lao động... sắp tới, công ty dự định xây thêm 30 gian nhà, giúp những công nhân còn lại chưa có chỗ ở.

Trường hợp của Công ty Viglacera Xuân Hòa tuy là điển hình nhưng đã cho thấy, khi công nhân được "an cư" thì sẽ mang lại lợi ích cho họ và cho DN. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích "kép" này vẫn bị "bó hẹp" ở một số đơn vị có điều kiện kinh tế và thực sự quan tâm đến NLĐ. Bởi, theo thống kê mới đây của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước có trên 1 triệu lao động đang làm việc tại 154 KCN với trên 700.000 lao động là người ngoại tỉnh có nhu cầu thuê nhà ở, nhưng chỉ 7-10% số này được ở trong các khu nhà ở xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc tiền của DN. Còn lại trên 90% số lao động có nhu cầu thuê nhà phải tự thuê nhà trọ.

Nỗ lực của tổ chức CĐ

Theo đánh giá của nhiều cán bộ CĐ, tình trạng NLĐ gặp khó khăn về nhà ở có nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập về chính sách. Tiền nhà được tính trong chính sách tiền lương nhưng cách tính chưa đúng, chưa đủ, hiện còn quá thấp so với giá thuê, mua nhà do Chính phủ quy định chứ chưa so sánh với giá cả tự do trên thị trường hiện nay. Mặc dù Nhà nước đã ban hành một số chính sách ưu đãi đầu tư xây nhà để bán và cho thuê, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế. Giá nhà, đất vẫn rất cao, vượt quá khả năng mua, thuê của đại đa số NLĐ.

Với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ cả nước luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho NLĐ. Hằng năm, Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn đều có buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ theo quy chế phối hợp hai bên, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách nhà ở đối với CNVC-LĐ.

Từ năm 2006 đến nay, Tổng Liên đoàn đưa ra chương trình nhà ở "Mái ấm CĐ" nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái trong CNVC-LĐ và của các nhà hảo tâm để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho hộ NLĐ nghèo. Sau thời gian triển khai, hầu hết các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TƯ đã hưởng ứng và xây được trên 3.000 căn nhà.

Riêng ở Hà Nội, sau 3 năm triển khai phong trào này, các cấp CĐ Thủ đô đã giúp hàng trăm NLĐ có nhà ở mang tên "Mái ấm CĐ". Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, hơn 3 năm qua, ngoài việc chỉ đạo các cấp CĐ quận, huyện, ngành và CĐ cấp trên cơ sở tích cực quyên góp, hỗ trợ công nhân về nhà ở, LĐLĐ TP đã trích quỹ xã hội CĐ, hỗ trợ xây dựng được 97 mái ấm cho CNVC-LĐ nghèo.

Riêng năm 2010 này, Liên đoàn sẽ hỗ trợ xây dựng 50 mái ấm, trung bình 20 triệu đồng/mái. Đồng thời sẽ hoàn thành dự án Đầu tư xây dựng thí điểm khu nhà ở cho công nhân thuê tại KCN Bắc Thăng Long, trước mắt đáp ứng cho hơn 10.000 công nhân thuê. Sau đó, một số dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân thuê tại Kim Chung, Đông Anh, KCN Phú Nghĩa - Chương Mỹ... sẽ được triển khai. Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ phấn đấu 50% công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Đó là tín hiệu đáng mừng, song nhu cầu bức thiết về chỗ ở của NLĐ sẽ vẫn còn rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa của tổ chức CĐ, cũng như các ban, ngành chức năng...

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới