Khu nhà ở cho công nhân tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Kim Chung - Đông Anh - Hà Nội) |
Tính đến cuối năm 2009, số lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp - Chế xuất (KCN-CX) và Khu Công nghệ cao (KCNC) trên địa bàn Hà Nội là 89.687 người; trong đó lao động Việt là 88.911 người; lao động nước ngoài là 776 người.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hà Nội năm 2009, Hà Nội hiện có 16 KCN, KCNC và 39 cụm công nghiệp. Trong 16 KCN có 8 KCN đã đi vào hoạt động, 6 KCN đang tiến hành triển khai xây dựng và 2 khu đang lập quy hoạch.
Hầu hết các cụm, KCN chưa có nhà ở cho công nhân thuê, công nhân phải tự thuê nhà của người dân khu vực xung quanh, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao hầu như không có. Các KCN đều thiếu nhà ở cho công nhân vì số lượng lao động tăng nhanh nhưng trong quy hoạch phát triển các KCN chưa tính tới yêu cầu về chỗ ở cho công nhân.
Trong một cuộc giao ban tháng 12 của các Ban quản lý Khu công nghiệp trọng điểm phía Nam, nơi phát triển rất mạnh phong trào xây nhà ở nhà lưu trú cho công nhân các ý kiến cũng cho thấy, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho đối tượng đặc biệt này. Số lượng công nhân phải ở thuê trọ bên ngoài tại các tỉnh thành phải chiếm từ 60% trở lên.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐVN, hiện mới có khoảng 2% trong tổng số công nhân tại các KCN, KCX của cả nước được thuê nhà do chủ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn xây dựng. Còn lại hơn 90% phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo an ninh trật tự; phần lớn phòng trọ do các hộ dân xây dựng chưa đáp ứng được các quy định tối thiểu về nhà trọ do Bộ Xây dựng ban hành. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người lao động nhập cư và vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh KCN.
Qua các số liệu đã nêu trên, có thể khẳng định nhà ở cho công nhân tại các địa phương phát triển công nghiệp nói chung đều thiếu. Nhà ở cho công nhân đang là vấn đề có tính thời sự, giải quyết được điều này là một trong những giải pháp góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, y tế, giáo dục, văn hóa tinh thần của người lao động nói chung, đặc biệt là lực lượng công nhân làm việc trong các KCN.
Mặt khác xây dựng nhà ở cho công nhân cũng nhằm đảm bảo về an ninh lao động (các vấn đề ổn định cuộc sống, cung cấp phúc lợi xã hội, đình công tranh chấp lao động) và cơ sở hạ tầng phục vụ cho môi trường đầu tư.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2015 tổng số công nhân tại các KCN tập trung khoảng 415.000 công nhân và tại các khu cụm công nghiệp khoảng 50.000 công nhân, nhu cầu về nhà ở chiếm khoảng 50% trong số đó, tương đương cần khoảng 28.750 căn hộ (8 công nhân/căn hộ) với 1.610.000 m2 sàn, với tổng mức đầu tư là 8.370 tỷ đồng.
Chính vì thế, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20-4-2009 và Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
Đây sẽ là cơ sở để chúng ta mở rộng số lượng nhà dành cho công nhân đang làm việc tại các KCN - CX, KCNC đảm bảo một cuộc sống ổn định. Một tin vui đến vào những ngày đầu năm là đã có 6 đơn vị đăng ký với Sở Xây dựng Hà Nội lập dự án triển khai việc xây nhà ở cho công nhân. Hy vọng với những tín hiệu mới, nhà ở cho công nhân đang làm việc tại các KCN - CX, KCNC sẽ bớt thiếu.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô