Cực trần thân khâu đăng bộ đất đai

Cập nhật 11/03/2017 08:29

Riêng ở quận 12 (TP.HCM) thì việc đăng bộ rất khỏe do chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và thuế liên thông, đã giảm được thủ tục cho người dân.

Theo Nghị định 43/2014, khi người dân thực hiện thủ tục chuyển nhượng, văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) có trách nhiệm gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính của các bên. Sở TN&MT TP.HCM cũng quy định như trên trong bộ thủ tục hành chính về công tác cấp giấy, đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, nhiều nơi dân phải “ôm” thủ tục này nên phải đi lại nhiều lần, thời gian kéo dài.

Mỗi nơi mỗi kiểu, dân đi lại nhiều lần

Ông Trần Văn Thông được mẹ cho mảnh đất tại quận Bình Thạnh. Xong thủ tục công chứng, ông đến quận để sang tên. “Tôi chỉ xin cập nhật trên giấy chứng nhận (GCN) cũ, không đổi GCN nên nghĩ sẽ rất nhanh nhưng không ngờ cực vô cùng” - ông cho biết.

Theo đó, đến hẹn ông đến quận thì được trả lại toàn bộ giấy tờ nhà kèm phiếu thông tin địa chính để ông qua Chi cục Thuế quận nộp hồ sơ tính thuế. Đóng thuế xong, ông Thông lại mang toàn bộ hồ sơ đến quận nộp lại lần nữa và được hẹn tiếp vì đây mới là giai đoạn giải quyết thủ tục đăng bộ. “Tôi phải đi lại quá nhiều lần, mỗi lần mất cả buổi do luôn quá tải” - ông Thông than thở.

Một số nơi cũng thực hiện theo quy trình trên như Phú Nhuận, Bình Chánh... Tại các quận, huyện này, thủ tục cập nhật tên người mua trên GCN mất khoảng 1-2 tháng.

Thủ tục đăng bộ ở quận 7, Bình Tân… đỡ cực hơn một chút vì giảm được một lần đi lại và thời gian giải quyết cũng ngắn hơn. Theo đó, người dân cũng phải đi làm thủ tục thuế nhưng ngay khi hoàn thành thì được nhận kết quả đăng bộ tại quận mà không phải nộp lại hồ sơ và chờ thêm 10-20 ngày như các quận, huyện trên.

“Trong lúc người dân nộp hồ sơ cho cơ quan thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chi nhánh giải quyết hồ sơ đăng bộ. Khi nào họ xong nghĩa vụ tài chính thì được trả kết quả đăng bộ luôn” - ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân, cho biết.

Ông Bình cho hay đơn vị chưa liên thông điện tử với thuế nên người dân phải đi làm nhưng chi nhánh cố gắng giảm bớt việc đi lại cho người dân bằng cách trên. “Đúng ra người dân nộp xong thuế thì chi nhánh mới thụ lý hồ sơ đăng bộ. Nhưng xét thấy không có rủi ro gì mà đỡ cực cho dân đi lại nên chúng tôi giải quyết luôn” - ông bày tỏ.

Cán bộ huyện Bình Chánh, TP.HCM đang hướng dẫn người dân làm thủ tục nhà đất. Ảnh: HTD

Nơi cho đăng bộ, nơi bắt phải đổi

Ông Nguyễn Hữu Toàn, ngụ A24/24 tổ 32, ấp 1, xã Bình Hưng, Bình Chánh mua mảnh đất tại xã. Mảnh đất này được cấp GCN năm 2004. Ông nộp hồ sơ xin cập nhật sang tên trên trang 4 GCN. Ít lâu sau, ông Toàn nhận được công văn của chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh trả hồ sơ. Nơi này cho hay theo Công văn 389/2010 của Sở TN&MT (về việc sử dụng bản đồ trong công tác cấp GCN) thì các bản đồ vị trí phải thực hiện trên nền bản đồ địa chính đo mới (với tọa độ VN-2000). Giấy tờ đất ông Toàn mua cấp năm 2004 thể hiện theo bản đồ cũ nên không được cập nhật tên người mua trên trang 4 GCN mà phải đo vẽ lại theo bản đồ mới...

“Điều này đồng nghĩa với việc phải cấp mới GCN mà thủ tục này rất lâu trong khi tôi chỉ muốn cập nhật sang tên trên GCN cũ” - ông Toàn cho hay.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Công Thanh, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh, cho hay yêu cầu trên thực hiện theo công văn của Sở TN&MT nhằm mục đích thống nhất việc sử dụng bản đồ địa chính trên các GCN. “Nếu người dân có nguyện vọng cập nhật trên GCN đã cấp thì làm đơn nộp để được xem xét với điều kiện GCN còn chỗ trống” - ông Thanh nói.

Được biết hiện nay hồ sơ ông Toàn đã được nhận lại giải quyết sau khi làm đơn xin. Nhưng những trường hợp khác thì làm sao biết chủ trương này?

Ông Thanh bảo do bộ phận nhận hồ sơ trực thuộc văn phòng UBND huyện trong khi VPĐKĐĐ không gặp trực tiếp người dân nên thông tin khó thông suốt.

Vấn đề ở chỗ cùng tình trạng GCN như ông Toàn nhưng các quận khác vẫn giải quyết đăng bộ trên GCN đã cấp mà không trả hồ sơ hay người dân phải nộp đơn đề nghị như huyện Bình Chánh. Điển hình là Bình Tân, quận 12…

Lãnh đạo chi nhánh VPĐKĐĐ một quận cho hay việc cập nhật trên GCN là yêu cầu của người dân, giảm tải cho cơ quan phải cấp đổi GCN, tránh lãng phí vì giá trị tương đương với cấp đổi GCN. Thủ tục cấp đổi GCN phải thực hiện theo Điều 72 Nghị định 43/2014, trong đó có nói rõ các trường hợp nào phải cấp đổi, các cơ quan thực hiện không thể tự đặt ra. Việc yêu cầu người dân nộp đơn xin mới được giải quyết là coi chừng đẻ thủ tục.

Các cơ quan liên thông, dân mới đỡ cực

Việc đăng bộ tại quận 12 rất khỏe cho dân. Theo đó, người dân nộp hồ sơ tại quận, chi nhánh VPĐKĐĐ và thuế tự liên thông với nhau. Sau khi có kết quả, VPĐKĐĐ quận 12 nhắn tin báo và người dân nộp tiền qua ngân hàng rồi đến quận nhận kết quả. Như vậy người dân chỉ đến quận hai lần để nộp và nhận kết quả và không phải đến cơ quan thuế.

Ông Trần Thanh Ngoan, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận 12, cho hay đơn vị phối hợp Chi cục Thuế thực hiện quy chế liên thông điện tử, người dân không phải tham gia khâu chuyển thông tin và tính thuế.

“Chúng tôi giải thích bà con nộp thêm giấy khai sinh, khai tử… là để chúng tôi làm thủ tục thuế luôn cho họ nên người dân ủng hộ. Năm qua, chi nhánh đã giải quyết 17.000 hồ sơ đăng bộ cho người dân theo quy trình này. Không phải là số lượng nhiều mà ý nghĩa hơn là 17.000 người dân được giảm việc đi lại nhiều lần khi thực hiện thủ tục hành chính” - ông tâm sự.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc VPĐKĐĐ TP.HCM, nhìn nhận: “Quy định các chi nhánh VPĐKĐĐ gửi phiếu chuyển thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính cho các bên mua bán là thực hiện theo quy định của Nghị định 43/2014. Có tình trạng nơi làm được, nơi để người dân phải tự đi là do chưa liên thông điện tử được với ngành thuế như yêu cầu. Việc này còn phải phụ thuộc vào việc triển khai và phối hợp của Tổng cục Thuế. Những nơi nào thực hiện tốt như quận 12 rất đáng hoan nghênh”.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP