Ghi nhận từ các sàn môi giới cho thấy hiện tượng nhà đầu tư, đầu cơ đi “săm soi” rồi ôm cả sàn hoặc vài căn hộ chung cư một lúc đã trở thành hàng hiếm trên thị trường bất động sản thời gian gần đây.
Trừ một số suất ngoại giao mà dự án nào cũng có, lượng nhà đầu tư mua đi bán lại tại các dự án chung cư đã giảm hẳn so với những năm 2015-2016.
Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra để giải thích hiện tượng này!
Một môi giới kỳ cựu cho rằng, “đánh” nhà chung cư hiện đã không còn hấp dẫn khi chỉ “ăn” được vài giá và nguy cơ đọng vốn rất cao.
Người khác chỉ ra rằng, với nguồn cung nhà căn hộ chung cư ở mức cực lớn như hiện nay và sắp tới, chênh lệch cung - cầu luôn nghiêng về phía cung và quan trọng hơn, chủ đầu tư luôn có tính toán để đưa ra mức giá sơ cấp có lợi nhất, gần sát với giá thị trường nhất. Nguồn hàng của họ lại rải đều hàng năm để cạnh tranh với hàng của nhà đầu tư.
Thậm chí, tại một dự án ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội), một số nhà đầu tư còn than thở về việc chủ đầu tư lừng khừng, gây khó dễ khi họ làm thủ tục sang tên đổi chủ hợp đồng, mục đích để chủ đầu tư bán nốt vài trăm căn hộ còn tồn.
Thị trường căn hộ đang hướng đến nhu cầu ở thực nhiều hơn.
|
Thậm chí, còn có người quy cho thị trường chứng khoán với biên độ dao động hàng chục điểm mỗi phiên nhiều tháng qua tạo ra lực hấp dẫn lớn khiến dòng vốn của các nhà đầu tư cá nhân đổ sang “đánh cổ phiếu”.
Tóm lại, cửa “kiếm ăn” cho các nhà đầu tư chung cư đã hẹp lại càng hẹp!
Bên cạnh đó, còn một yếu tố nữa không thể không kể đến là cánh cửa ngân hàng giờ cũng không dễ mở đối với nhà đầu tư chung cư. Đã từng có thời nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra số tiền trị giá khoảng 15% giá trị thực của căn hộ để tạm giữ chỗ, sau một vài tháng hoặc sớm hơn họ đẩy đi là có thể chuyển nhượng và chốt lời. Nếu “chẳng may” đọng vốn thì gõ cửa ngân hàng cũng là chuyện rất đơn giản.
Không có số liệu thống kê chính thức, nhưng theo chia sẻ của những "đầu nậu" chung cư, cách đây 2 năm, khi thị trường như người sau cơn ốm “ăn trả bữa” với thanh khoản sôi động, với một căn chung cư trung cấp (1,5 - 2 tỷ đồng), chỉ một vài tháng người mua có thể chốt lời lên đến vài chục đến cả trăm triệu đồng khá đơn giản.
Tuy nhiên, kể từ cuối 2016, đầu năm 2017 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn dòng tín dụng vào bất động sản, nhằm hướng tới việc kiểm soát tình trạng đầu cơ có thể xảy ra.
Đặc biệt, trong tháng cuối năm 2017 và tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN và Công văn số 563/NHNN-TTGSNH đều theo hướng kiểm soát chặt hơn dòng vốn tín dụng địa ốc.
Những động thái kể trên đã giảm bớt phần nào sức nóng, giúp thị trường cân bằng hơn khi mức giá được giữ ổn định hơn. Ghi nhận từ các đơn vị phân phối cho thấy, trong năm 2017, phân khúc căn hộ không tạo nên những đợt sóng về giá như phân khúc đất nền.
Theo báo cáo của Savills, hiện nay, trên thị trường bất động sản, khách mua đầu cơ chỉ chiếm 8%, giảm 1/3 so với cuối năm 2016, khách mua với mục đích cho thuê cũng giảm còn 26%. Đặc biệt, khách mua để ở tăng lên mạnh mẽ với mức tăng 66%.
Đơn vị này cũng nhận định, thị trường bất động sản đã ngày càng ít dần kiểu chốt lời từ "đầu cơ lướt sóng căn hộ", thay vào đó, lợi suất cho thuê căn hộ cao đang tạo ra một phân khúc thị trường căn hộ cho thuê vô cùng sôi động.
Tức là những ai có của để dành mới tính đến việc đầu tư căn hộ chờ giá lên một cách dài hạn và trước mắt tính đến việc cho thuê. Đây được xem là tín hiệu mừng, bởi lẽ, khi nhà đầu tư lướt sóng ít đi, cơ hội mua đúng giá sẽ thực tế hơn dành cho những người có nhu cầu ở thực.
Cũng bởi lượng thanh khoản "ảo" từ đầu cơ giảm xuống, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn, chủ đầu tư sẽ phải đầu tư mạnh hơn vào dịch vụ tiện ích nếu muốn thu hút khách hàng.
Khi đó, người mua sẽ có nhiều lợi ích hơn, đồng thời những tranh chấp cũng dần ít đi.
DiaOcOnline.vn – Theo NLĐO