Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang): Giá đất “phi mã” vì... chân dài!

Cập nhật 24/01/2010 08:25

Giá đất ở cù lao du lịch Thới Sơn (xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) hiện tăng ở mức chưa từng thấy, dù nơi đây đang chờ các cơ quan hữu trách của tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch.

Giá đất trên... trời!

Ông Bảy Ốm “rành sáu câu” về giá đất đai của xứ cù lao này. Ông kể, từ khi cù lao Thới Sơn trở thành điểm du lịch sông nước miệt vườn nổi tiếng trong và ngoài nước, giá đất chỉ ở mức 250 - 300 triệu đồng/công (tùy theo địa thế). Riêng đất xa mặt tiền đường giá bán 200 triệu đồng/công là hết cỡ. Thế nhưng cuối năm 2009, khi ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ) mua hơn 10ha đất để xây dựng các dịch vụ du lịch phục vụ cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010, giá đất đột ngột tăng đến mức… không tưởng.

“Đầu tiên, ông này hỏi mua hai thửa đất rộng 4.000m2 của bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên và Nguyễn Thị Phượng ở ấp Thới Thuận với giá 1,5 tỷ đồng, dân cù lao chẳng ai để ý. Sau đó ông tiếp tục mua 24.000m2 đất của bà Huỳnh Kim Cúc với giá khoảng 1,3 tỷ đồng/công (tổng cộng 31 tỷ đồng), rồi hỏi mua nhiều miếng vườn khác cũng với giá đó. Lúc này dân Thới Sơn mới nhảy nhổm thi nhau treo bảng bán đất”. - ông Bảy Ốm nói.

Thế là giá đất từ 200 - 300 triệu đồng/công, đột ngột tăng lên mức 1,5 - 1,8 tỷ đồng/công, thậm chí 2 tỷ đồng/công… Rồi mới đây ông Tám Bổn ở cùng ấp bán cho một doanh nghiệp ở TPHCM 1.500m2 đất với giá 2 tỷ đồng/công khiến cả xóm ai cũng thèm.
 

Khách quốc tế mua quà lưu niệm ở cù lao Thới Sơn.Ảnh: Huỳnh Lợi.


“Nhiều người nói ông Hoàng Kiều mua đất với giá cao trên trời như vậy là phá giá, khiến việc bồi hoàn giải tỏa của Nhà nước và các doanh nghiệp khác gặp khó khăn. Tuy nhiên dân Thới Sơn cho rằng, doanh nghiệp mua đất để đầu tư làm ăn thì phải theo giá thị trường “thuận mua vừa bán”, còn Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng thì người dân sẵn sàng nhận tiền bồi hoàn theo giá của Nhà nước quy định.

Cụ thể, UBND xã đang tiến hành thu hồi đất mở rộng tuyến đường xương sống của xã thêm 6,5m, chiều dài 7km. Nhiều hộ vẫn vui vẻ nhận tiền bồi hoàn với giá 581.000 đồng/m2 đất ở vị trí một, 465.000 đồng/m2 đất ở vị trí hai, chưa thấy ai khiếu nại gì” - ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho biết.

Bao giờ... hết “sốt”?
 

Dọc hai bên đường nhựa chạy giữa cù lao Thới Sơn nhiều vườn cây ăn trái bỏ hoang chẳng ai thèm canh tác, thay vào đó là những tấm bảng rao bán đất dựng khắp nơi.

Ông Nguyễn Văn Bảy (Bảy Ốm), ấp Thới Thuận, ngao ngán: “Chẳng ai muốn chăm sóc vườn tược vì mấy cái dự án “treo” cứ nay dời, mai đổi hổng biết đâu mà lường. Cộng thêm giá đất đang “nóng phỏng tay” nên ai cũng lao vào chuyện đất. Hiện đất dọc theo mặt tiền đường trả giá 1,5 tỷ đồng/công (1.000m2) không ai thèm bán…”.

Theo UBND xã Thới Sơn, thời gian qua có quá nhiều dự án quy hoạch “treo” chưa biết bao giờ thực hiện khiến chính quyền bị động. Trong khi doanh nghiệp muốn mua đất đầu tư cũng gặp khó khăn. Nhiều lần đại biểu HĐND các cấp đến tiếp xúc cử tri cù lao Thới Sơn đều bị chất vấn về vấn đề quy hoạch. Theo đó, dự án nào hủy bỏ, dự án nào còn hiệu lực, quy hoạch chi tiết ra sao, ở khu vực nào, khi nào thực hiện… nên công bố rộng rãi cho dân biết. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan hữu trách của TP Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Cũng theo UBND xã Thới Sơn, vào năm 2006, UBND tỉnh đã quy hoạch 7 khu chức năng rộng 77ha ở cù lao Thới Sơn để phát triển du lịch sinh thái. Đề án này được người dân đồng tình ủng hộ vì nhiều gia đình được trực tiếp tham gia làm du lịch mà không bị giải tỏa. Tuy nhiên đề án chưa thể thực hiện do thiếu vốn thì một “siêu dự án” khác về du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế, sân golf… xuất hiện. Dự kiến đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để phát triển toàn bộ diện tích khoảng 1.200ha của cù lao Thới Sơn. Lúc này dư luận không đồng tình, cộng với nhiều nguyên nhân khác nhau nên cuối cùng “siêu dự án” không thể triển khai. Từ đó đến nay việc phát triển cù lao Thới Sơn cứ giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Cù lao Thới Sơn là điểm tham quan, du lịch sinh thái chủ lực của tỉnh. Hiện tỉnh đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 7 khu chức năng rộng 77ha đã được quy hoạch từ trước”. Theo kế hoạch, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tiền Giang diễn ra vào cuối tháng 1-2010, phát triển du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn sẽ là một trong những dự án quan trọng kêu gọi đầu tư, không để tình trạng “treo” kéo dài mãi.

Cũng theo UBND tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa có ý kiến trả lời có đồng ý cho Tiền Giang tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 hay không. Nhưng một thực tế phải thừa nhận là giá đất ở cù lao Thới Sơn “phi mã” là do cơn “sốt” của cuộc thi Hoa hậu thế giới. Giới cò đất ở Tiền Giang và TPHCM cho rằng, nếu cuộc thi Hoa hậu thế giới không tổ chức ở Thới Sơn thì giá đất sẽ lập tức “hạ nhiệt”.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng