Hàng trăm hộ dân của The Văn Phú Victoria đang không biết số tiền quỹ bảo trì chung cư được sử dụng ra sao, vấn đề ô nhiễm nguồn nước bao giờ được khắc phục. Và điều ngược đời là trong khi ở nhiều dự án khác, người dân thường phải đấu tranh với chủ đầu tư để đòi quyền lợi thì ở đây, người dân phải đấu tranh với chính Ban Quản trị do mình tín nhiệm bầu ra.
Mập mờ chuyện quỹ bảo trì
Được biết, cách đây tròn 1 năm, ngày 27/11/2016, các cư dân của The Văn Phú Victoria (phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu và bầu ra Ban Quản trị tòa nhà.
Sau khi Bản Quản trị được thành lập, phía chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì chung cư và quyền quản trị theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thay vì bảo vệ quyền lợi, chăm lo cho đời sống người dân, thì Ban Quản trị tòa nhà lại có nhiều hành động khuất tất khiến hàng trăm cư dân bị mắc kẹt giữa những khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt. Đặc biệt, vấn đề quản lý quỹ bảo trì và các nguồn thu khác đang trong tình trạng bất minh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, chị Đinh Ngọc Anh, căn hộ 1405 V3 cho biết: “Quỹ bảo trì lên đến hơn 40 tỷ đồng và hàng loạt các nguồn thu khác như bán vị trí quảng cáo, khai thác kinh doanh…, chúng tôi đều không được biết. Không biết Ban Quản trị sử dụng ra sao?”.
Cho đến nay, sau Hội nghị nhà chung cư, Ban Quản trị chưa hề tổ chức thêm hội nghị nào nữa để bàn về vấn đề thu, chi tài chính, lựa chọn đối tác quản lý, vận hành tòa nhà hay hàng loạt các vấn đề bức xúc của người dân.
Người dân ở đây đang phải đấu tranh với chính Ban Quản trị cho mình bầu ra. Ảnh cư dân cung cấp.
|
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Sang, căn hộ 1902 V3 cho biết: “Mấy chục tỷ tiền quỹ bảo trì là một số tiền lớn, cư dân mong muốn được biết Ban Quản trị sử dụng số tiền này ra sao, gửi ở ngân hàng nào, vì nếu sử dụng tốt, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cư dân”.
Theo thông tin từ cư dân, hiện tại, quỹ bảo trì được sử dụng để gửi tiết kiệm với lãi suất 6,8%/năm. Tuy nhiên, theo nhiều cư dân, với số tiền như vậy, hoàn toàn có thể thỏa thuận với ngân hàng ở mức lãi suất khoảng 8%/năm! Nếu làm được điều này, quỹ bảo trì sẽ được bổ sung một nguồn tiền không hề nhỏ, giảm bớt gánh nặng chi phí cho cư dân.
Ngoài việc không công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, theo phản ánh của nhiều cư dân, The Văn Phú Victoria có 3 tòa nhà, do đó, nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ là không hề nhỏ. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ có Ban Quản trị nắm được, người dân hoàn toàn không được biết.
Người dân phản ánh, trong quy chế thu, chi tài chính của Ban Quản trị (đưa công khai trên website thevanphuvictoria.vn) đều không nêu rõ về việc quản lý quỹ bảo trì và các nguồn thu khác. Riêng các khoản thu khác phát sinh thì có đề cập đến trong mục 4, điều 4 về Các khoản thu khác phát sinh từ công tác quản lý, vận hành và từ khai thác phần sở hữu chung của nhà chung cư, nhưng nội dung này lại bị bỏ trống.
Ô nhiễm nguồn nước kéo dài
Ngoài vấn đề thu, chi tài chính, an toàn nguồn nước hiện cũng là một vấn đề mà các cư dân ở đây rất quan tâm.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, căn hộ 601 V3 cho biết: “Từ khi nhận nhà, nguồn nước ở đây luôn bị ô nhiễm và chưa được khắc phục. Nước nhiều cặn bẩn, màu nước khi vàng, khi xanh. Tôi rất lo sợ, không biết hệ thống bể ngầm chứa nước sinh hoạt liệu có bị ngấm nước từ bể phốt qua không…”.
Dù tình trạng này đã kéo dài và người dân liên tục có ý kiến, nhưng Ban Quản trị lại tỏ ra bất hợp tác. Thậm chí, khi người dân muốn lấy mẫu nước đi làm xét nghiệm, thì lại bị chính Ban Quản trị ngăn cản.
Đại diện cụm cư dân tầng 27 V1 cho biết: “Chúng tôi yêu cầu khắc phục thì họ không làm, chúng tôi đưa ra giải pháp và thực hiện thì họ lại không cho. Cuộc sống của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nước không được đảm bảo”.
Hiện nhiều chủ hộ phải sử dụng các giải pháp tình thế như mua các thiết bị lọc nước về để lọc nước sinh hoạt. Vừa tốn thêm chi phí, vừa gây bất tiện cho gia đình.
Nguồn nước bị ô nhiễm kéo dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. (Ảnh cư dân cung cấp).
|
Trao đổi với phóng viên về những phản ánh trên, ông Trần Minh Tân, Trưởng Ban Quản trị cho biết: “Một số cư dân phản ánh về chất lượng nguồn nước là không đúng. Nước này là nước chung của quận Hà Đông, việc yêu cầu lấy mẫu là trái pháp luật. Chúng tôi chỉ cho phép lấy mẫu nước tại vòi ở các căn hộ, chứ không thể cho phép lấy nước tại khu vực khác ngoài căn hộ. Việc chất lượng nước do bên Trung tâm Y tế dự phòng họ giám sát, thực hiện định kỳ và đảm bảo các chỉ tiêu”.
Không hợp tác với chính quyền
Theo phản ánh của các hộ dân tại đây, mặc dù nhiều lần đề nghị Ban Quản trị tổ chức các cuộc họp nhưng đều không được chấp nhận. Có một số cuộc họp, Ban Quản trị họp riêng từng nhóm cư dân, những người không có giấy mời không được phép tham dự.
Người dân cho biết, Ban Quản trị ngăn cản không cho lấy mâu nước làm xét nghiệm. (Ảnh cư dân cung cấp). |
Hiện The Văn Phú Victoria có 1.265 căn hộ, trong đó có 756 chủ sở hữu căn hộ ký đơn yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường, tương đương gần 60% đại diện chủ sở hữu. Còn theo các biên bản được Ban Quản trị đưa ra, số chủ hộ ký đơn là 657 (gần 52% - PV).
Theo mục đ, khoản 1, Điều 14, Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng, khi có đơn đề nghị của trên 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao là đủ điều kiện tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường.
Tuy nhiên, Ban Quản trị hiện tại của The Văn Phú Victoria không đồng ý tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường với lý do có nhiều chữ ký khai khống, mạo danh.
Cơ sở để xác định số chữ ký này là khai khống, mạo danh được Ban Quản trị căn cứ trên mẫu chứ ký chủ sở hữu cán hộ lưu trong hồ sơ bàn giao căn hộ và phiếu thu nộp phí dịch vụ hàng tháng.
Theo các cư dân, dù UBND phường Phú La đã yêu cầu Ban quản trị cung cấp danh sách chữ ký được coi là giả mào, không hợp lệ, nhưng Ban Quản trị không cung cấp.
Tuy nhiên, theo các cư dân, với một dự án đã đi vào sử dụng từ lâu như The Văn Phú Victoria, thì việc sang tên, đổi chủ sở hữu là rất phổ biến, việc các thành viên trong gia đình ký thay chủ hộ khi đóng tiền phí dịch vụ cũng thường xuyên xảy ra, do đó, kết luận của Ban Quản trị không nhận được sự đồng tình của nhiều người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khắc Huy, Chủ tịch UBND phường Phú La cho biết: “Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp nhưng cũng chưa đi đến đâu, vì Ban Quản trị khẳng định làm đúng và không hợp tác với phường. Sắp tới, phía UBND phường sẽ phải làm việc với hai bên và báo cáo Phòng Nội vụ quận Hà Đông để tìm hướng giải quyết giúp đỡ người dân”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán