Công viên nước thành khu biệt thự

Cập nhật 23/01/2008 13:00

Đã hơn một năm rưỡi nay, công viên nước Sài Gòn (Saigon Water Park) lấy lý do bảo trì công viên, đã âm thầm đóng cửa. Sau hơn tám năm hoạt động, nay một dự án xây khu biệt thự trên khu đất vui chơi giải trí này đang hình thành

Chuyển đổi công năng đất

Theo công ty liên doanh văn hoá thể thao dưới nước (chủ đầu tư của Saigon Water Park - gọi tắt là liên doanh), từ đầu năm 2006, đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với công ty tư vấn xây dựng Meinhardt (180 Pasteur, quận 1). Theo hợp đồng này, Meinhardt sẽ thực hiện các công việc: quản lý dự án, giám sát thi công, khảo sát khối lượng và hoàn tất các thủ tục xây dựng.

Một công đoạn quan trọng mà hai bên đã ký kết là liên doanh giao Meinhardt hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tức là chuyển từ đất công trình thể thao văn hoá sang đất ở. Phía Meinhardt cam kết sẽ xin được UBND TP.HCM cho thay đổi mục đích sử dụng đất và phê duyệt xong quy hoạch chi tiết 1/500.

Thực tế, trên mảnh đất rộng gần 5ha nằm dọc đường Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, Thủ Đức) nơi trước đây là Saigon Water Park, nay đã tháo dỡ toàn bộ thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động thể thao dưới nước. Thay vào đó, chủ đầu tư đã tổ chức phun cát san lấp mặt bằng (công ty của Long An thi công), xây bờ kè ven sông Sài Gòn và rạch Gò Dưa (công ty của Tiền Giang thi công), ép cọc bê tông (công ty của thành phố thi công)... với chi phí ngoài 10 tỉ đồng.

Cũng vào đầu năm 2006, bộ Kế hoạch và đầu tư đã ra quyết định điều chỉnh giấy phép đầu tư cho liên doanh (chỉ trước khi liên doanh ký hợp đồng tư vấn với Meinhardt chừng ba tuần). Tất cả các hoạt động của liên doanh theo giấy phép không có chức năng xây dựng, kinh doanh nhà. Nếu chuyển sang hướng xây dựng kinh doanh nhà đất, liên doanh phải xin đổi giấy phép từ bộ.

Chuyển hướng vì thua lỗ?

Đến năm 2000, thành phố xuất hiện hàng loạt công viên nước hiện đại như: Đầm Sen, Suối Tiên, Q.5, Q.10... cạnh tranh và Saigon Water Park bị thua lỗ vì ít khách. Một nguồn tin có thẩm quyền cho biết, hơn bảy năm qua liên doanh này liên tục lỗ và tổng số tiền lỗ trước thuế đến hết năm 2005 là gần 200 tỉ đồng.

Báo cáo với thành phố, liên doanh cho rằng nếu chỉ bó hẹp ở loại hình công viên nước, hiệu quả kinh doanh không có. Nhưng, giấy phép đầu tư của Saigon Water Park còn thời gian hoạt động đến gần 12 năm nữa.

Với diện tích gần 5ha cách trung tâm thành phố 10km, địa điểm của Saigon Water Park là khu đất lý tưởng để xây nhà ở. Dự kiến, công viên nước đang chuyển thành khu biệt thự Vista gồm 52 căn biệt thự cao cấp để bán, cho thuê và một câu lạc bộ khu. Tổng diện tích đất xây dựng dự kiến gần 1ha, dân số khoảng 500 người.

Đây sẽ là mảnh đất vàng vì hưởng rất nhiều yếu tố “địa lợi”: hai mặt tiền sông, nằm ngay trên đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, gần cây cầu dự kiến bắc qua bán đảo Bình Quới - Thanh Đa.

Liên doanh đã làm việc với quận Thủ Đức, các đề xuất về ý tưởng khu biệt thự cũng được UBND quận cho là phù hợp với quy hoạch chung của quận (theo công văn số 1940 ngày 17.11.2005).

Liên doanh đã có công văn đề nghị UBND thành phố chấp thuận cho họ được chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi chức năng dự án khu công viên văn hoá thể thao dưới nước sang xây dựng nhà ở dạng biệt thự sân vườn nhằm giúp cho việc kinh doanh khả quan hơn. Nhưng theo một đại biểu HĐND thành phố, đến nay vẫn chưa được duyệt. Việc san lấp mặt bằng và xây kè tại Saigon Water Park sẽ được hai sở Tài nguyên - môi trường và Giao thông công chính kiểm tra trong ít ngày tới, theo chỉ đạo của UBND thành phố.

Theo một nguồn tin từ UBND TP.HCM, sắp tới thanh tra thành phố sẽ tổ chức thanh tra liên doanh (chủ đầu tư dự án Saigon Water Park) theo yêu cầu của HĐND thành phố.

Vào cuối năm 1997, một loại hình giải trí mới xuất hiện, khu công viên nước tại Thủ Đức có tên Saigon Water Park - công viên nước đầu tiên ở Việt Nam. Các trò chơi lạ như trượt nước, vòng xoáy, tắm biển ở các hồ tạo sóng, dòng sông lười... đã thu hút nhiều khách. Công ty liên doanh văn hoá thể thao dưới nước làm chủ đầu tư. Một liên doanh giữa công ty Pegasus Leisure Ltd (British Virgin Islands) góp 70% vốn, đối tác Việt Nam là công ty dịch vụ thương mại Eden (thuộc Saigontourist) góp 30% vốn, trong đó có 5ha đất công.

Diện tích khuôn viên rộng gần 5ha, vốn đầu tư khoảng 11,2 triệu USD. Thời gian đầu, lúc nào nơi này cũng đông khách dù giá vé vào cổng không rẻ: 60.000 đồng/người lớn và 35.000 đồng/trẻ em. Đông khách nên Saigon Water Park thường xuyên bị quá tải.

Đến giữa năm 2005, Saigontourist rút khỏi liên doanh, chuyển nhượng lại phần quyền và nghĩa vụ cho công ty TNHH tư vấn đầu tư kinh doanh nhà Thiên Tuyến - một doanh nghiệp chuyên đầu tư kinh doanh bất động sản ở TP.HCM (181/211 Đồng Khởi, Q.1). Liên doanh đã thay đổi.


Theo Sài Gòn Tiếp Thị