Công viên Hà Nội: Chỗ chen chân, chỗ lại buồn thiu

Cập nhật 11/09/2007 14:00

Diện tích công viên, cây xanh tại Hà Nội hiện chỉ bằng 1/10 so với quy hoạch. Những dịp nghỉ lễ, nhiều khu vui chơi không còn chỗ chen chân, song tại một số nơi khác, nhân viên quản lý "chơi dài" và công viên chỉ phục vụ các cụ già tập thể dục.

Chị Hạnh, nhân viên một công ty tại Hà Nội, cho hay, dịp 2/9 vừa rồi chị cùng gia đình đến công viên nước Hồ Tây, song tại đây quá đông người. Không khí ngột ngạt, những khoảng trống cuối cùng trong công viên cũng được tận dụng để vui chơi. Khi sông lười và hệ thống bể bơi hết chỗ, một số gia đình còn cho trẻ "vầy" tại bể cảnh. Nhân viên phục vụ của công viên nước bã người nhắc nhở khách giữ vệ sinh chung. Đến gần trưa, khi các gia đình đã thấm mệt sau một buổi vui chơi, cảnh chen lấn tái diễn tại các nhà hàng, quán ăn quanh công viên.

Trong những ngày cao điểm như dịp 2/9, 30/4 hay Tết dương lịch, lượng khách đổ về đây lên tới 20.000 người, gấp 3 lần dịp cuối tuần. Vì thế, ngay cả với diện tích khoảng 8,5 ha (chưa kể mặt nước), vào loại lớn nhất Hà Nội, nơi này cũng bị quá tải. Những dịp đó, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hà Nội, chủ đầu tư công viên, phải thuê thêm người mà vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của khách.

Tại công viên Indira Gandhi (hồ Thành Công), thời gian đông người tập trung nhất là vào 6-7h30 sáng và 19h30-20h30. Đến đây hầu hết là người cao tuổi và để tập thể dục. Lác đác là những đôi trẻ tuổi tìm đến để có nơi tâm sự.

Ông Thịnh, một cư dân tại khu tập thể Thành Công cho hay, ngày nào ông và vợ cũng vào đây để đi dạo 2 vòng quanh hồ. Đôi khi ông đưa theo cả cháu nội, nhưng không có chỗ cho trẻ nhỏ, nên thường sau bữa cơm tối, ông bà mới có thể để 2 đứa nhỏ ở nhà cho bố mẹ trông và ra công viên đi bộ. Nhiều hôm bố mẹ chúng bận, hay về muộn, ông bà đành ở nhà trông cháu. "Đưa theo nhưng không có chỗ cho chúng chơi, được một lúc là chúng lại đòi về", ông Thịnh cho hay.

Dành cả buổi sáng ngồi ngắm cảnh tại công viên bên hồ Thành Công, ông Tuất, một người gốc Hà Nội đã sống lâu năm tại Vũng Tàu cho hay, một trong những điều ông nhớ nhất khi sống xa Hà Nội là những khu nhiều cây cổ thụ và hồ nước. Tuy nhiên, vị sĩ quan lính tình báo Sài Gòn này chia sẻ, công viên hiện nay quá nhỏ và buồn tẻ so với nhu cầu thực tế. "Người già như tôi thì chỉ cần không gian rộng để vãn cảnh, nhưng như thế chưa đủ với thanh niên và trẻ em", ông Tuất nói. 

Nơi thừa, nơi thiếu

Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, hiện Hà Nội có khoảng 400 ha công viên, vườn hoa. Theo quy hoạch được phê duyệt năm 1998, thành phố sẽ nâng diện tích công viên, cây xanh lên 8 m2/người vào năm 2010 và phấn đấu đạt 12-15 m2/người năm 2020. Tuy nhiên, hiện diện tích này mới đạt 0,9 m2/người. Mật độ dân số Hà Nội cũng lên tới 3.400 người/km, chỉ sau TP HCM (4.000 người/km2).

Ông Ngô Văn Hắc, phụ trách Ban quản lý công viên Indira Gandhi cho hay, khu vực này chỉ đông người vào hai thời điểm người dân đi tập thể dục, còn những lúc khác, cả khu gần như không có người. "Hết giờ tập thể dục là ai nấy về nhà, vì trong công viên không có gì hấp dẫn nữa", ông Hắc cho hay. Tại đây hiện chỉ có một vài vòng đu quay và cầu trượt được lắp đặt khi công viên được cải tạo.

Tình trạng "đông cục bộ" cũng diễn ra tại công viên Nghĩa Tân. Vào giữa buổi sáng, nơi này này lác đác vài người tản bộ hoặc một vài học sinh, sinh viên tranh thủ vào ôn bài. Bà Nguyễn Thị Dung, nhân viên tại đây cho hay, người dân chỉ tập trung đến đây vào sáng sớm và sẩm tối, còn những thời điểm khác trong ngày, công viên hoàn toàn vắng lặng. "Nhất là vào dịp Tết, các ngày lễ lớn, ở đây hầu như không có người", bà Dung cho hay. Khu vực Nghĩa Tân tập trung nhiều người ngoại tỉnh, nên vào những dịp lễ tết, họ đều về quê. "Nhiều khi chúng tôi đến chỉ để trông xe của chính mình, vậy mà vẫn phải luân phiên trực đủ ngày 3 ca", bà Dung nói thêm.

Tại công viên Hồ Tây, vào mùa đông, lượng khách giảm đến 60-70% so với những ngày hè. Đến tháng 10 hàng năm, chủ đầu tư phải đóng cửa công viên nước và chỉ mở cửa công viên Mặt trời mới. Công viên nước trong suốt thời gian "ngủ đông" chỉ thỉnh thoảng cho thuê tổ chức một vài sự kiện.

Là một trong 5 công viên có quy mô lớn nhất Hà Nội song diện tích sử dụng của công viên Tuổi Trẻ hiện chỉ gói gọn quanh hai hồ nước và một phần giáp đường Võ Thị Sáu. Nhiều nơi trong khuôn viên cỏ mọc um tùm, đường đi dạo xen lẫn với những nhà dân, vốn thuộc "xóm liều" một thời, chưa giải tỏa hết.

Công viên có diện tích theo quy hoạch trên 26 ha, trong đó một nửa là hồ nước, song diện tích mặt đất mới xây được một phần nhỏ. Phần lớn diện tích tiếp giáp với đường Võ Thị Sáu do các nhà hàng và câu lạc bộ giải trí chiếm giữ. Các khu vực ven đường Kim Ngưu, Thanh Nhàn vẫn có gần 1.000 hộ dân sinh sống do chưa được giải tỏa và tái định cư.

Theo Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội, chủ đầu tư của công trình này, hiện dự án mới thực hiện được khoảng 30% hạng mục và mới lắp đặt được một phần trò chơi trong công viên. Ông Hoàng Văn Tiếu, Phó giám đốc công ty cho hay, việc cải tạo "ách" lại từ một năm rưỡi nay do giải tỏa đền bù và cũng chưa biết đến khi nào hoàn thành được. Vì thế, công viên chỉ hoạt động được đến đâu hay đến đó và chủ yếu phục vụ người dân trong khu vực. 

Trong khi đó, Ban quản lý công viên hồ Thành Công cũng cho hay, đơn vị này từ lâu muốn lắp đặt thêm các trò chơi cho trẻ em để thu hút thêm người dân, nhưng ngoài phần hồ nước ra, công viên chỉ còn lại phần diện tích nhỏ cho cây xanh, nên khó "chèn" thêm được các trò chơi. "Nếu lắp đặt sẽ phải dỡ bỏ một vài bồn cỏ, như vậy "các cụ" trong khu tập thể sẽ không đồng ý", ông Ngô Văn Hắc nói. Công viên này có tổng diện tích 8,7 ha, trong đó mặt nước đã chiếm 6,1 ha. 

Hơn nữa, theo ông Hắc, hiện vốn đầu tư không biết trông vào đâu. Các công viên trước đây do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nhưng mới đây được chuyển sang cho các quận. Dù đã được giao cho quận Đống Đa từ đầu năm, song đến nay đơn vị này vẫn chưa được quận "đoái hoài". "Đến lương cho công nhân viên chúng tôi còn phải vay để trả, thì làm sao có vốn để đầu tư các trò chơi", ông Hắc thở dài.

Tương tự, trước đây ban quản lý công viên Nghĩa Tân có dự án xây dựng thêm các hạng mục trò chơi, song do không có nguồn vốn nên đành ngưng lại. "Hiện kinh phí đều do quận quyết định nên chúng tôi đành chờ", bà Nguyễn Thị Dung nói. Hơn nữa, theo bà Dung, công viên này nhỏ nên cũng không có diện tích để lắp đặt trò chơi.

   

Theo Dothi