Công trình xây sai phép: Xử lý "mưa nắng thất thường"

Cập nhật 04/03/2008 08:00

Hàng loạt công trình xây dựng sai phép qui mô lớn đang diễn ra tại TP.HCM. Nhưng việc xử lý cho tồn tại hay không đối với từng công trình còn chưa thống nhất, dẫn đến việc "so bì”, nghi ngại.

Theo Sở Xây dựng TP, việc xử lý sai phạm đối với các công trình xây dựng sai phép đã hoàn thành sau thời điểm 1-7-2004 (Luật xây dựng có hiệu lực) chưa có qui định cụ thể. Do vậy việc xử lý đối với từng công trình sai phép trên địa bàn TP còn khác nhau.

Nơi cho tồn tại…

Theo giấy phép do Sở Xây dựng cấp ngày 29-4-2005, công trình 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3) có qui mô hai tầng hầm, một tầng lửng, 15 tầng lầu, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 17.675m2. Chủ đầu tư công trình là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Tân Định.

Tháng 11-2006 chủ đầu tư nộp hồ sơ xin thay đổi thiết kế nhưng khi đến kiểm tra thì Sở Xây dựng phát hiện công trình xây sai phép. UBND Q.3 ra quyết định xử phạt 200.000 đồng, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng giấy phép được cấp, tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Nhưng sau đó chủ đầu tư tiếp tục xây dựng công trình sai so với giấy phép.

UBND Q.3 lại buộc chủ đầu tư xây dựng đúng giấy phép, đồng thời liên hệ cơ quan chức năng điều chỉnh giấy phép xây dựng, nếu không điều chỉnh được thì phải tháo dỡ phần sai phép. Thời điểm này (tháng 7-2007), công trình đã hoàn chỉnh phần thô.

Theo cơ quan cấp phép, công trình đã tăng diện tích xây dựng hơn 2.300m2 so với giấy phép. Chủ đầu tư cũng đã thay đổi chiều cao các tầng, thay đổi công năng từ tầng 1-4 là trung tâm thương mại sang văn phòng.

Sở Xây dựng cho biết việc xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư và các đơn vị tham gia xây dựng công trình là cần thiết. Tuy nhiên cơ quan này cho rằng hiện nay công trình đã hoàn chỉnh, do đó việc cấp giấy phép điều chỉnh là không cần thiết. Phần vi phạm sẽ được xem xét khi cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho công trình.

Sau đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP cho phép công trình 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa được tồn tại phần diện tích xây dựng tăng ở tầng lửng; diện tích vi phạm ở khoảng lùi phía trước, phía sau và bên hông công trình; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ tầng 1- 4 thành văn phòng.

Phần vi phạm phải tháo dỡ không đáng kể so với những gì được đề xuất cho tồn tại. Sở Xây dựng giải thích: việc phá dỡ phần vi phạm sẽ gây sụp đổ, ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của toàn bộ công trình…

Đề xuất này được UBND TP chấp thuận trong thông báo truyền đạt ý kiến của Văn phòng HĐND và UBND TP ngày 26-1-2008.

Nơi chần chừ, nơi làm thinh

Hiện nay trên địa bàn TP còn nhiều công trình xây dựng sai phép khác, trong đó có các công trình qui mô lớn ở khu vực trung tâm TP đang trong quá trình xử lý. Ở các công trình này không những chậm ngăn chặn ngay từ đầu mà khi phát hiện sai phạm thì việc xử lý lại kéo dài với nhiều ý kiến không thống nhất.

Điển hình như công trình cao ốc Pacific, chủ đầu tư đã xây lố ba tầng hầm, tăng gấp đôi so với giấy phép được cấp. Nhưng việc xử lý đối với công trình này còn đang là vấn đề bàn cãi. Nhiều ý kiến đề xuất nên lấp ngay các tầng hầm để đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.

Còn lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng hiện giấy phép xây dựng đã bị rút, muốn xây dựng lại, chủ đầu tư phải xin phép mới. Có ý kiến lại cho rằng nếu công trình có phương án xử lý phù hợp, chủ đầu tư có thể được xem xét cấp đến... tám tầng hầm, vì hình thức sử dụng tầng ngầm này TP đang khuyến khích.

Công trình cao ốc tại 472-472A-472C Nguyễn Thị Minh Khai (P.2, Q.3) xây dựng sai phép ở 13 tầng, tổng diện tích xây dựng sai phép của công trình trên là 692m2.

Thanh tra xây dựng Q.3 cho biết chủ đầu tư đã mua thêm sáu căn nhà phía sau công trình và xin điều chỉnh giấy phép xây dựng công trình nhưng khi liên hệ với Sở Xây dựng, Sở Qui hoạch - kiến trúc năm tháng qua vẫn chưa được trả lời. Một cán bộ thanh tra quận đề nghị các sở cần sớm có ý kiến về vấn đề này để quận thực hiện.

Cần xử lý thống nhất

Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng về nguyên tắc phải tháo dỡ các công trình xây dựng sai phép, không phép sau thời điểm Luật xây dựng có hiệu lực. Thế nhưng có những công trình xây trong thời gian dài mà chính quyền địa phương không phát hiện hoặc chậm xử lý, nếu tháo dỡ sẽ gây thiệt hại cho xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì giải quyết thế nào?

Lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng nói rằng trong trường hợp này, việc xử lý cho tồn tại hay không phải căn cứ vào qui hoạch, mức độ an toàn đối với khu vực xung quanh, vi phạm xảy ra vào thời điểm nào, có phải chính quyền địa phương lơi lỏng trong quản lý hay không... Tuy nhiên vị này cũng nhấn mạnh: việc xử lý phải thống nhất, tránh tình trạng mỗi công trình xử lý mỗi kiểu, gây bức xúc trong dân.

"Sự cố cao ốc Pacific": Một số công trình kế cận đang trong tình trạng nguy hiểm

TP.HCM - Báo cáo hiện trạng các công trình xung quanh công trình cao ốc Pacific (gọi tắt là công trình Pacific, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) vừa được Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn (SCQC) gửi đến các đơn vị liên quan.

Cụ thể, đối với cao ốc Yoco, chưa có dấu hiệu phát sinh các hư hỏng, không có hiện tượng nghiêng lún. SCQC kết luận: tại thời điểm khảo sát, công trình ở trạng thái ổn định và sẽ tiếp tục theo dõi.

Đối với nhà xe và nhà khách của Sở Ngoại vụ, SCQC cho biết hệ cột, dầm khu vực tiếp giáp với công trình Pacific xuất hiện nhiều vết nứt, gạch lát nền ở lầu 1 bị bong rộp diện tích lớn, khung cửa sổ bị biến dạng, cong vênh…

Riêng phần móng công trình bị lún rất lớn. Các khu vực còn lại mỗi tháng lún trên 2mm, vượt quá giới hạn cho phép. Theo SCQC, công trình đã bị hư hỏng nặng, trong tình trạng nguy hiểm và cần phá bỏ. Tương tự, Trung tâm dịch vụ đối ngoại (Bộ Ngoại giao) cũng bị nứt tường, nền bị nứt lún sang công trình Pacific. Đối với công trình nhà thờ cổ ở vị trí tiếp giáp công trình Pacific lún trên 2mm/tháng, khu vực xa hơn lún dưới 2mm/tháng...


Theo
Địa Ốc TTO