Dư chấn động đất ngày 16-5 đã gây hoảng loạn cho người dân Hà Nội và khu vực xung quanh, nhất là những người sống, làm việc ở những tòa nhà cao tầng.
“Theo quy định, căn cứ trên bản đồ phân vùng động đất của Viện Vật lý Địa cầu, tất cả các công trình xây dựng trong vùng có động đất đều phải tính đến yếu tố động đất”. Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết như vậy.
- Phóng viên: Quy định là vậy, nhưng các công trình xây dựng hiện nay có tính đến yếu tố động đất không, thưa ông?
- Ông Trần Chủng: Theo bản đồ phân vùng động đất, hiện tại Hà Nội nằm trong vùng khả năng động đất tới cấp 7, có nơi cấp 8. Đến nay, các nhà cao tầng ở thủ đô đã thiết kế bảo đảm chống chịu được tác động này. Đối với nhà cao tầng, phải tính đến tải trọng gió bão và động đất tác động theo phương ngang, nên phải thiết kế, xây dựng sao cho có khả năng chịu được gió cấp 12, tức chịu được động đất cấp 7.
- Theo ông, tỉ lệ công trình xây dựng cao tầng có đăng ký thiết kế bảo đảm tiêu chuẩn chống chịu động đất là bao nhiêu?
- Tôi không thể đưa ra con số cụ thể. Hiện nay, hệ thống phần mềm thiết kế công trình xây dựng bắt buộc phải có yếu tố đầu vào là chống chịu chấn động đất để tính toán kết cấu công trình. Nếu bỏ tiêu chí này thì sẽ không thể có thiết kế công trình hoàn thiện.
- Việc quy định về thiết kế là vậy, nhưng liệu các tòa nhà thi công có đạt được tiêu chuẩn an toàn?
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm giám sát việc này. Khi thẩm định hồ sơ thiết kế bắt buộc phải có 3 yêu cầu đối với mọi công trình: Đơn vị tư vấn thiết kế phải có đủ năng lực; đơn vị thiết kế sử dụng tiêu chuẩn nào để tính toán và phải có đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra thiết kế.
- Cơ quan của ông đã khi nào phát hiện công trình không bảo đảm an toàn đối với chấn động đất chưa?
- Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chưa làm trực tiếp việc này. Theo báo cáo của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) chiều 16-5, các công trình được kiểm tra gần đây đều bảo đảm an toàn.
Dự kiến tháng 1-2008, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng sẽ xây dựng phòng thử nghiệm chống động đất. Khi đó, các công trình có hình dáng khác lạ, giải pháp kết cấu mới, sử dụng vật liệu mới và nằm trong vùng động đất dứt khoát phải được thử nghiệm thiết kế tại phòng thí nghiệm, kết quả tốt mới được thực hiện.
Sẽ xây dựng bản đồ phân vùng động đất chi tiết tại TP. HCM