Hàng loạt các công trình xây dựng giao thông, cải thiện môi trường đô thị... đang triển khai thi công trên địa bàn TPHCM hàng ngày làm khổ người dân sống gần công trường.
Đã có hàng trăm trường hợp nhà dân bị sụt, lún, nứt toác trực tiếp đe doạ đến tính mạng người dân. Một số nơi, để bảo toàn tính mạng, người dân đã phải đi lánh nạn.
Khốn khổ với công trình xây dựng
14 hộ dân ấp Cây Bàng 1 và Cây Bàng 2 thuộc P.Thủ Thiêm, Q.2 phản ánh, tình trạng các căn hộ đều bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của việc thi công hầm Thủ Thiêm xảy ra từ đầu năm 2007, nhưng nửa năm trôi qua vẫn chưa thấy đơn vị nào khắc phục hậu quả.
Theo UBND P.Thủ Thiêm, nguyên nhân là do nhà thầu khi thi công san lấp, ngăn dòng chảy của rạch Cá Trê lớn và khi đóng cọc để ngăn nước xây dựng miệng hầm Thủ Thiêm đã làm ảnh hưởng đến nhà dân. Ông Nguyễn Đình Thới (tổ 28, ấp Cây Bàng 1) bức xúc cho biết: "Chúng tôi đã làm đơn phản ánh từ đầu năm, đến nay vẫn chưa thấy ai giải quyết". UBND P.Thủ Thiêm, Q.2 cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Ban QLDA đại lộ Đông - Tây và nhà thầu xem xét giải quyết thiệt hại cho dân, vì hiện nay 14 căn hộ này có nguy cơ bị sụp đổ, đe doạ đến tính mạng, tài sản người dân.
Trao đổi với PV Lao Động, một cán bộ Ban QLDA đại lộ Đông - Tây cho biết, các bên đang xem xét để hỗ trợ các hộ có nhà bị hư hỏng. Mới nhất là trường hợp của hơn 350 hộ dân P.10, quận 6 ăn ở không yên với công trình cầu Lò Gốm và rạch Ruột Ngựa (nằm trong dự án đại lộ Đông -Tây và môi trường nước).
Theo phản ánh của người dân với HĐND TP, đơn vị thi công đó làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước gây ngập nhà của hơn 350 hộ dân thuộc tổ dân phố 17, P.10, quận 6. Những hôm trời mưa, nước không đường chảy, tràn vào nhà dân làm ngập sâu hơn nửa mét. Quá mệt mỏi, một số người dân đã phải đưa người già, trẻ con đi lánh nạn chỗ khác...
Lánh nạn như thời chiến
Chuyện các công trình xây dựng nặng thì gây lún nứt nhà dân, nhẹ thì làm đảo lộn cuộc sống đang diễn ra một cách phổ biến và đã không còn là chuyện gì đó quá xa lạ với người dân thành phố. Điểm qua một số công trình điển hình như: Quanh khu vực xây dựng cầu Kênh Tẻ có khoảng 20 căn hộ lún, nứt; thi công các giếng thu nước thải thuộc dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm gần 100 căn hộ sụt, lún.
Thậm chí công trình với quy mô nhỏ như hầm chui Văn Thánh 2 cũng làm hư hỏng trên 40 căn nhà, trong đó có cả căn hộ mới xây dựng buộc phải đập bỏ hoàn toàn vì mức độ nghiêng lún vượt mức an toàn... Hàng chục hộ dân khu vực hầm chui Văn Thánh 2 có nhà cao cửa rộng, nhưng 5 năm qua, họ đành phải chấp nhận bỏ hoang nhà cửa mặc cho cỏ mọc um tùm, để đi lánh nạn nơi khác nhằm bảo toàn tính mạng.
Ông Nguyễn Văn Lang - ngụ tại 12/7 Nguyễn Huy Tự, P.Đakao (bị ảnh hưởng bởi công trình giếng S27 dự án vệ sinh môi trường đô thị), quận 1 - là trường hợp đầu tiên có yêu cầu các bên liên quan bồi thường tổng giá trị thiệt hại gần 360 triệu đồng cho 18 tháng không thể buôn bán vì công trình xây dựng này.
Ông Lang cho biết: "Nếu các bên liên quan không bồi thường một cách chính đáng, tôi sẽ kiện ra toà". Ông Lang là một trong số khoảng 60 trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp từ các công trình xây dựng các giếng thu hồi nước thải trong dự án vệ sinh môi trường đô thị đến nay vẫn chưa được bồi thường thiệt hại, mặc dù nhiều năm, nhiều tháng đã trôi qua.
Ông Lê Văn Trung - giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Đại biểu HĐND TP, trong buổi làm việc với Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước thành phố cho rằng: "Với trình độ tư vấn, giám sát, thi công của các Cty quốc tế thì việc thi công nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng cuộc sống người dân trong khu vực lân cận công trường là việc trong tầm tay. Vấn đề là họ có làm hay không mà thôi".
Theo Lao Động