Công trình xanh được cộng thêm diện tích sàn

Cập nhật 22/12/2013 08:13

Các công trình xây dựng theo hướng thân thiện với môi trường (công trình xanh) tại khu 930 héc ta trung tâm TPHCM được cộng thêm hệ số sử dụng đất (được tăng thêm tổng diện tích sàn) cho công trình.

Các công trình xanh khu 930 héc ta trung tâm TPHCM sẽ được cộng thêm diện tích sàn - Ảnh: Văn Nam

TPHCM đưa ra chính sách ưu đãi trên nhằm khuyến khích xây dựng các tòa nhà tại khu trung tâm thành phố theo hướng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tạo diện tích mảng xanh, không gian mở cho cộng đồng.

Không gian mở cho cộng đồng, theo quy định của UBND thành phố vừa ban hành, được hiểu là không gian công cộng (dưới dạng quảng trường, công viên ... mà người dân có thể tiếp cận bất cứ lúc nào) với quy mô từ 30% diện tích khu đất trở lên thì được hệ số sử dụng đất được xét tăng thêm.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm 20-12, bà Trương Quang Thục Trinh, Phó Phòng Quản lý quy hoạch Khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết, theo quy chế khuyến khích công trình xanh tại khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930 héc ta), khi công trình được thiết kế kèm các giải pháp thân thiện môi trường thì được tăng thêm hệ số sử dụng đất (HSSDĐ) theo cách tính: HSSDĐ + 1.

Ví dụ, công trình thân thiện môi trường tại ô phố được bao quanh bởi các con đường Huỳnh Thúc Khánh - Tôn Thất Đạm - Pasteur - Hàm Nghi (có hệ số sử dụng đất là 5 và khu đất đạt kích thước tối thiểu 20X30 mét hoặc 25x25 mét) thì diện tích sàn sử dụng của công trình được tính là: 5+1=6.

"Hiện nay Sở đang xem xét trên 20 hồ sơ công trình theo hướng thân thiện môi trường tại khu trung tâm thành phố để phê duyệt tăng diện tích sử dụng đất", bà Trinh cho hay.

Về quy trình cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ hướng dẫn nhà đầu tư thiết kế công trình theo hướng thân thiện môi trường, khi chủ đầu tư làm thủ tục xin phép xây dựng thì Sở Xây dựng sẽ thẩm định, nếu đáp ứng các tiêu chí thân thiện môi trường thì công trình đó sẽ được cộng thêm tổng diện tích sàn theo cách tính trên.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phạm Huy Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM cho biết hiện chỉ là giai đoạn khởi đầu nên TPHCM mới chỉ có vài ba công trình xanh theo hướng thân thiện môi trường được trao chứng chỉ công trình xanh nhưng do các tổ chức nước ngoài chứng nhận, chẳng hạn như tiêu chuẩn công nhận công trình xanh LEED của Mỹ.

“Công trình xanh sẽ giúp nâng cao hình ảnh công trình của chủ đầu tư, hiệu quả kinh tế nhờ tiết giảm chi phí năng lượng. Có những giải pháp đem lại hiểu quả rất cao như giải pháp chống xâm nhập nhiệt vào tòa nhà, sử dụng năng lượng mặt trời …”, ông Phong cho hay.

Theo các chuyên gia năng lượng, một công trình xanh trung bình tiết kiệm 30% năng lượng sử dụng, giảm 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và tiết kiệm từ 50 - 90% chi phí xử lý chất thải.

Việc đánh giá một công trình xanh dựa vào các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, nước, tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm tác động đến môi trường xung quanh nhằm giúp tạo sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Khu trung tâm TP.HCM có diện tích khoảng 930 hecta bao gồm quận 1 (các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần phường Cầu Ông Lãnh, một phần phường Đa Kao), quận 3 (có các phường 6, một phần phường 7), quận 4 (có các phường 9, 12, 13, 18), quận Bình Thạnh (có các phường 22 và một phần phường 19).

Vị trí ranh giới của khu trung tâm được giới hạn bởi các đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè (phía bắc), Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía tây), Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu và Nguyễn Tất Thành (phía nam), sông Sài Gòn (phía đông).


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG