Ngày 16/12, Hiệp hội Bất động sản, Hiệp hội Kiến trúc sư TP.HCM phối hợp với công ty Kohler tổ chức hội thảo “Xây dựng công trình xanh tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” tại Khách sạn New World. Hội thảo đã mang lại nhiều cái nhìn mới trong việc xây dựng các công trình xanh ở Việt Nam.
Thực tế và sự cần thiết của các công trình xanh
Thế giới đang đối diện với vấn đề an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của việc biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng. Để đối phó với những vấn đề này, hiện nay trong xây dựng, vấn đề môi trường và thiết kế kiến trúc xanh rất được chú trọng khi thực hiện các dự án phát triển bất động sản.
Kiến trúc xanh được hiểu là các công trình xây dựng được quy hoạch và thiết kế để khi đưa vào sử dụng tiết kiệm được năng lượng, nước…mang lại những lợi ích về kinh tế, môi trường… Thực tế, khu vực các công trình xây dựng đã đóng góp 10-15% GDP cho toàn cầu, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên các công trình này lại tiêu thụ tới 40% năng lượng, thải 30% lượng khí CO2.Vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên là cần thiết để giảm thiểu lượng chất thải, khí CO2, những tác nhân gây khủng hoảng khí hậu.
Xu thế kiến trúc, quy hoạch phát triển đô thị của thế giới đang hướng về yếu tố thân thiện với môi trường. Ví dụ điển hình tại Châu Á là đảo quốc Singapore, một đất nước có nhiều công trình xây dựng thân thiện với môi trường. Ngoài ra Singapore còn thu gom lượng nước mưa để tái sử dụng giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Nhiều nước Châu Á hiện khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, gió, phủ xanh các cao ốc và giảm bớt hiệu ứng nhà kính.
Các nhà nghiên cứu về quy hoạch phát triển đô thị đã đi đến kết luận, việc xây dựng các công trình xanh không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là một điều cần thiết.
Ứng dụng vào thực tiễn Việt Nam…
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế. Tốc độ phát triển đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Hiện nay, tỉ lệ dân sống ở thành thị ở Việt Nam chiếm 29,8%, và đến năm 2010, con số đó sẽ lên khoảng 40%. Việc xây dựng các công trình cũng vì thế mà tăng lên nhanh chóng.
Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần phải thay đổi mô hình xây dựng bất động sản hiện tại, các công trình chỉ khuếch trương công nghệ, theo xu hướng phương Tây có nhiều tấm kính gây tiêu hao năng lượng lớn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng đang trình bày về tầm quan trọng của các công trình xanh tại Việt Nam
|