Công trình trọng điểm hối hả về đích

Cập nhật 12/07/2009 08:55

Khu vực đường mới Thủ Thiêm (nối từ hầm Thủ Thiêm phía bờ Q.2 đến ngã thư Cát Lái) đang đẩy nhanh tiến độ thi công - Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Sau cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y vừa được thông xe dịp lễ 30.4 vừa qua, hàng loạt công trình trọng điểm mở ra các hướng lưu thông mới tại TP.HCM cũng đang chạy nước rút cho ngày về đích không còn xa.

Mở hướng về đông


Đại lộ Đông Tây, công trình thế kỷ của TP.HCM đang thành hình, sẵn sàng cho ngày thông xe. Ông Vương Hoàng Thanh - Phó giám đốc Ban Quản lý dự án - cho biết đoạn từ nút giao Quốc lộ 1A đến Bến Chương Dương (quận 1) có chiều dài gần 14 km dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 8 để kịp thông xe chào đón lễ Quốc khánh 2.9 sắp tới. Trên đoạn đường này có 7 cây cầu, gồm: cầu vượt Quốc lộ 1A, cầu Nước Lên, Rạch Cây, Lò Gốm, Chà Và, Chữ Y và Calmette. Trong đó, ngoài cầu Chữ Y, Calmette, Chà Và đã đưa vào hoạt động, các cầu còn lại cũng dự kiến thông xe trước ngày 2.9 để đảm bảo việc lưu thông thông suốt từ các tỉnh miền Tây vào trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, tại một số khu vực sẽ chỉ hoàn tất được một nửa bề rộng mặt đường (khoảng 30m) vì vướng công trình kỹ thuật ngầm, nửa còn lại sẽ xong cuối năm nay.

Tại khu vực đường mới Thủ Thiêm (nối từ hầm Thủ Thiêm phía bờ quận 2 đến ngã ba Cát Lái), Ban Quản lý dự án đang yêu cầu nhà thầu Obayashi đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe trước một nửa bề rộng mặt đường (khoảng 50m) vào cuối năm nay. Khi đó, xe cộ sẽ đi đường Trần Não vào Đại lộ Đông Tây qua cầu Thủ Thiêm để đến trung tâm TP, giảm đáng kể áp lực xe cộ cho cầu Sài Gòn. Còn hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn đã hoàn thành 95% các hạng mục hầm dẫn phía quận 1 và phía Thủ Thiêm.

Theo tiến độ đăng ký với UBND TP, đến quý 1/2010, toàn bộ Đại lộ Đông Tây dài 18 km đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh sẽ được đưa vào sử dụng. Riêng hầm Thủ Thiêm dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ có những chuyến xe đầu tiên băng sông Sài Gòn. Khi đó, luồng xe từ 2 đầu đông - tây TP sẽ được kết nối liên thông: bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 1A, chạy dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, xuyên sông Sài Gòn bằng hầm Thủ Thiêm đi vào đường mới Thủ Thiêm, qua nút giao Cát Lái ra xa lộ Hà Nội.

Ông Thanh khẳng định việc đưa vào vận hành Đại lộ Đông Tây sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại, giảm ách tắc giao thông khu vực trung tâm, nối kết trung tâm TP hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm... Cùng mục tiêu mở hướng về đông, dự án cầu Thủ Thiêm cũng dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm nay và chuẩn bị thi công giai đoạn 2 với mục tiêu đảm bảo lưu lượng xe cộ từ quận 2 qua Bình Thạnh vào trung tâm TP. Cây cầu này khi hoàn thành sẽ kết nối với Đại lộ Đông Tây nhằm phá vỡ thế "ốc đảo" của Thủ Thiêm.

Thúc đẩy các khu đô thị mới

Cầu Phú Mỹ (nối từ quận 7, vượt sông Sài Gòn, qua quận 2) cây cầu dây văng hiện đại và lớn nhất TP.HCM vừa được hợp long ngày 19.5 vừa rồi và sẽ chính thức thông xe dịp lễ Quốc khánh năm nay. Ông Mặc Đăng Nớp - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (chủ đầu tư) - cho biết, cầu Phú Mỹ (dài hơn 2 km, rộng gần 30m, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng) sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông cho khu vực quận 4, 7 và nội đô TP.HCM do các phương tiện không phải đi xuyên qua trung tâm như hiện nay. Đồng thời, cây cầu này sẽ tạo "cú hích" cho các khu đô thị mới nằm trên địa bàn quận 2, 9, 7. Trong đó, các khu đô thị mới đã hình thành như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đang hình thành như Khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) sẽ phát triển nhanh sau khi cầu Phú Mỹ được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, với tĩnh không thông thuyền 45m và khổ thông thuyền 250m, cầu đảm bảo cho các tàu biển có trọng tải lên đến 30.000 DWT qua lại, sẽ thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng khu vực TP.HCM và các cảng phía Nam.

Xét về yếu tố mỹ thuật, đây sẽ là một trong những cây cầu đẹp và hoành tráng nhất TP.HCM, với thiết kế dây văng có dạng như tấm lưới, tiêu biểu cho hình ảnh của vùng sông nước miền Nam, 2 trụ tháp sừng sững vươn đến độ cao 140m... Cầu được xây dựng với công nghệ tiên tiến nhất trong các cầu dây văng đã xây dựng trên thế giới thời gian gần đây. Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên của TP.HCM hoàn thành vượt tiến độ đến 4 tháng (thông xe đầu tháng 9 thay vì tháng 12.2009 như kế hoạch ban đầu). Theo chia sẻ của Liên danh nhà thầu gồm BILFINGER BERGER (Đức), BAULEDESTONE (Úc) và FREYSSINET (Pháp), kinh nghiệm đảm bảo tiến độ là do ứng dụng những cải tiến về công tác thiết kế nền móng, tổ chức thi công, cơ chế quản lý, chế độ tiền lương...

 

Sau thời kỳ "nghỉ đông" từ tháng 8.2007, công trình nâng cấp, mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi (quận 1 và quận Phú Nhuận) nối từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP đã được khởi động lại và sẽ hoàn thành cuối năm nay. Theo Ban điều hành Xí nghiệp 9 (Công ty công trình giao thông công chính TP.HCM) - đơn vị thi công, trục đường này đã được mở rộng từ 10m lên 30m. Hiện chỉ còn chờ đấu nối hệ thống thoát nước, nâng cấp mặt đường, lắp đặt bó vỉa và hoàn thiện vỉa hè. Công trình mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, với tổng vốn đầu tư hơn 850 tỉ đồng, khi hoàn thiện sẽ đảm bảo nhu cầu lưu thông cho cửa ngõ quốc tế của TP.HCM.

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên