“Lô cốt” trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM- Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Tại phiên chất vấn trong kỳ họp lần 16 HĐND TP.HCM khóa VII vừa qua, tình trạng các công trình có “lô cốt” rào chắn thi công chậm được cơ quan chức năng giải trình một phần là do hạng mục hàng rào không có trong dự toán, phải chờ duyệt phát sinh và bố trí vốn.
Lập dự toán thiếu hạng mục có hai lý do: hoặc vì trình độ yếu kém của đơn vị tư vấn thiết kế, hoặc vì đơn vị này cố tình để thiếu. Bất kỳ lý do nào cũng đều tạo cơ hội cho các bên: đơn vị thi công, tư vấn giám sát, người đại diện chủ đầu tư.
Thông thường hợp đồng thi công quy định nếu công trình phát sinh từ 20% khối lượng trở lên thì phần phát sinh này sẽ được lập phụ lục hợp đồng và được chỉ định thầu cho đơn vị đang trực tiếp thi công với mức dự toán không bị ràng buộc như hợp đồng chính đã được ký trước đó. Vì khối lượng công việc chi phối giá dự thầu nên khi lập hồ sơ dự thầu, nếu nhà thầu phát hiện khối lượng công việc bị bóc thiếu thì họ cũng phớt lờ và chỉ nêu ra khi thương thảo hợp đồng. Đối với các nhà thầu khôn ngoan rõ ràng đây là cách tốt nhất để vô hiệu hóa quá trình đấu thầu.
Nếu chủ đầu tư kiên quyết thì vẫn có cách để “trị bệnh” này. Trong hồ sơ mời thầu có ghi “Trước khi dự thầu, nhà thầu xem xét, tham quan địa điểm xây dựng để nghiên cứu, đánh giá hiện trạng của công trường, điều kiện tự nhiên, lối ra vào, các công trình lân cận và các yếu tố khác liên quan, không gây ảnh hưởng đến việc đấu thầu. Do đó sau này không được đòi hỏi thêm các chi phí phát sinh do những điều kiện tự nhiên, hiện trạng của công trường gây nên”.
Nếu những đoạn ràng buộc trên được đại diện chủ đầu tư kiên quyết đưa vào hợp đồng chính thì không còn chỗ nào để có cơ sở phê duyệt các công việc phát sinh.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO