Công nghiệp hóa, hoang hóa ruộng vườn

Cập nhật 04/03/2010 16:30

Xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vốn là nơi chuyên sản xuất nông nghiệp với hàng trăm hécta đất ruộng trồng lúa ba vụ, nhưng từ nhiều năm nay, khi công nghiệp phát triển mạnh ở khu vực TP Biên Hòa, ruộng đồng ở đây phần lớn bị bỏ hoang.


Kênh bê tông thủy lợi bị bỏ phế. Ảnh: Đức Minh

Nông dân bỏ ruộng

Giữa hai bờ dòng sông Đồng Nai, một bên là trung tâm TP Biên Hòa với lô nhô nhà máy trong KCN Biên Hòa 1, những dòng người hối hả thể hiện sự sôi động của một thành phố công nghiệp, còn ở một bên sông là xã Hiệp Hòa với ruộng vườn mang nặng dáng dấp thôn quê.

Dấu ấn của một xã có thế mạnh với sản xuất nông nghiệp còn hiện diện ở xã Hiệp Hòa đó là văn phòng hợp tác xã, sân phơi, nhà kho, trạm bơm, kênh mương bê tông…, nhưng tất cả đã hoang vắng, xuống cấp vì đã lâu không còn được sử dụng, vì những cánh đồng lúa mênh mông từ nhiều năm đã bị thay bằng cỏ dại và… cọc bê tông giữ đất.

Ông Nguyễn Văn Năm, một nông dân cố cựu ở xã Hiệp Hòa nhà có bốn sào ruộng, nhưng từ ba năm nay ruộng của ông đã bỏ hoang bởi không có người lao động, cả bốn người con của ông đều đã vào làm ở các nhà máy.

Nhìn đám ruộng bỏ hoang, ông Năm nói: “Ông, cha tôi đều làm ruộng ở đây, đến đời tôi cũng gắn với ruộng, nhưng đến con tôi thì tụi nó chê ruộng. Có nhà máy, tụi nhỏ vào làm thu nhập hơn làm ruộng và không còn phơi mình một nắng hai sương, tôi thì không có sức làm ruộng nữa, có điều bỏ ruộng hoang như thế này cũng buồn lắm”.

Một nông dân khác là ông Hai Vĩnh tâm sự: “Thật ra bây giờ nếu có làm ruộng thì cũng không có lao động, thanh niên ở đây đi làm ở nhà máy, xí nghiệp, ở nhà chỉ còn lại ông già bà cả, nếu có mướn được người làm thì tiền công cao lắm”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ở xã Hiệp Hòa chỉ tay ra xa ngoài cánh đồng và nói: “Tôi có hai sào ở ngoài đó, có muốn làm lúa cũng không được, khi mà chung quanh người ta bỏ hoang hết rồi”.

Không làm ruộng, hàng ngày, ông Toàn chuyển nghề đi cắt cỏ bán cho các lò mổ nuôi bò nhốt. Nhiều nông dân muốn chuyển đổi cây trồng khác hoặc chuyển đổi sang đất thổ cư nhưng nhà nước chưa cho phép vì nhiều đất ở đây đang nằm trong quy hoạch.

Ông Lê Văn Tài, cán bộ Địa chính – Xây dựng của UBND xã Hiệp Hòa, cho biết, toàn xã có 150 ha đất trồng lúa nước nhưng từ ba năm nay chỉ còn khoảng 20 ha được nông dân duy trì sản xuất lúa.

Nguyên nhân nông dân bỏ ruộng cũng là do không có đủ lực lượng sản xuất, chính quyền và đoàn thể cũng đã vận động dân sản xuất, nhưng sản xuất như hiện nay thì chi phí cao và không hiệu quả.

Ông Tạ Trung Quảng, Trưởng phòng Kinh tế - UBND TP Biên Hòa cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở TP Biên Hòa đang chịu tác động lớn của phát triển công nghiệp, cho nên diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp. Riêng sản xuất lúa ở xã Hiệp Hòa chịu tác động rõ nhất là do chuyển dịch lao động, hiệu quả thấp.

Công trình tiền tỷ bỏ phế

Bên cánh đồng hoang hóa ở xã Hiệp Hòa là hệ thống mương bê tông, trạm bơm được nhà nước đầu tư hàng tỷ đồng cũng rơi vào tình cảnh bỏ hoang. Hai tuyến kênh bê tông Hiệp Hòa 1, Hiệp Hòa 2 dài gần 3km và hai trạm bơm nước từ lâu không còn sử dụng, cây dại, dây leo cùng đất đai phủ đầy trong lòng mương.

Hệ thống kênh mương bê tông ở đây được tỉnh Đồng Nai đầu tư, xây dựng trong khoảng năm 2002 - 2004. Đến khi xây dựng xong thì cũng là lúc nông dân giảm dần sản xuất lúa, cuối cùng là bỏ hoang. Công trình tiền tỷ này cũng đành bỏ phế.

Trong khi đó, nhiều người dân có đất nằm dọc theo bờ mương này đã trồng cây ăn trái đang cần nguồn nước tưới, nhưng cũng đành chịu.

Nói về việc xây dựng hệ thống thủy lợi này, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Đồng Nai cho rằng: Căn cứ vào thực tế sản xuất ở địa phương, nên sở mới lập dự án đầu tư xây dựng. Nhưng khi xây dựng xong hệ thống thủy lợi thì cũng là lúc thực tế đã chuyển biến mất rồi!

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong