Quy hoạch “treo” và hàng loạt những vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị tại TP Hồ Chí Minh đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Mới đây, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về quản lý quy hoạch đô thị, nhằm đánh giá, nâng cao hiệu quả thực hiện quy hoạch, thông qua những điều chỉnh phù hợp.
Nhiều quy hoạch “treo” ảnh hưởng quyền lợi của dân
10 năm qua được coi là thời gian bùng nổ của quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh với hàng nghìn dự án. Theo báo cáo, từ năm 2001 đến 2011, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định giao đất cho 2.836 dự án đầu tư với diện tích hơn 22.000ha. Riêng từ năm 2005 đến nay, số diện tích đất đô thị được quy hoạch xây dựng gấp 2,5 lần so với 30 năm trước đó.
Điều đáng nói là hiện nay còn nhiều dự án quy hoạch “treo”, chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Trong tổng số 882 dự án nhà ở có 785 dự án chủ đầu tư đã cơ bản hoàn tất công tác nhận chuyển nhượng, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nhà ở; có 45 dự án đang triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng đạt tỷ lệ từ 50% đến 80%; có 52 dự án tiến độ giải phóng mặt bằng dưới 50%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, TP Hồ Chí Minh có nhiều dự án quy hoạch trên 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Cụ thể như: Quy hoạch ở khu phố 8, ấp Doi (phường 15, Gò Vấp) có diện tích hơn 40ha, bị “treo” 14 năm; khu Bình Qưới - Thanh Đa (phường 28, Bình Thạnh) “treo” 12 năm; dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc (Bình Chánh) “treo” 14 năm; khu đô thị Thanh niên Văn Thánh tại các phường 17, 19, 22 (Bình Thạnh) được quy hoạch xây dựng từ năm 1992. Dự án An Phú Đông (huyện Hóc Môn) có quy mô 650ha, được thành phố giao đất từ năm 2004 nhưng đến nay mới chỉ thu hồi được 2,6ha (chiếm 0,35%)… Dự án treo, quyền lợi của người dân cũng bị "treo" theo dự án. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thì thành phố còn gần 30 dự án quy hoạch “treo” khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân chậm tiến độ được UBND thành phố lý giải là do nhiều quy định của pháp luật chưa rõ ràng, dẫn đến những vướng mắc trong thu hồi đất, triển khai quy hoạch. Một số quy định rất khó thực hiện như việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, năng lực tài chính của nhà đầu tư... Hơn nữa, thời gian qua xuất hiện tình trạng “quy hoạch chạy theo dự án”, nguyên nhân chủ yếu vì bất động sản phát triển quá nóng, hứa hẹn tiềm năng siêu lợi nhuận, nên nhiều chủ đầu tư đã xin điều chỉnh dự án đã được duyệt, chuyển mục tiêu sang xây dựng nhà ở để bán đã gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch.
TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng quy hoạch đô thị hiện đại, văn minh |
Xử lý nghiêm dự án chậm, bảo đảm quyền lợi người dân
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, xử lý quy hoạch “treo”. Từ đầu năm 2010, UBND thành phố đã ngưng không chấp thuận địa điểm đầu tư cho một dự án nào để tập trung rà soát, xử lý những dự án quy hoạch cũ đã chấp thuận địa điểm. Tuy nhiên, việc xử lý các dự án quy hoạch “treo” luôn gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện nay có 193 dự án do doanh nghiệp bồi thường được trên 50% nhưng bị ách lại do nhiều nguyên nhân. Loại dự án này được kiến nghị cho tiếp tục gia hạn. Còn dự án bồi thường dưới 50% thì sở sẽ phân tích nguyên nhân và đề xuất cụ thể hướng giải quyết.
Đồng chí Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho rằng: UBND TP Hồ Chí Minh cần rà soát lại các đồ án quy hoạch đã lập, nếu không còn giá trị thực tế thì phải điều chỉnh, trả lại chức năng ban đầu. Đề nghị kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt và sớm thu hồi quyết định giao đất hoặc thay đổi chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư để quá lâu không thực hiện dự án, hoặc không đủ năng lực thực hiện dự án.
Ông Trần Hữu Trí, Phó chủ tịch UBND quận 6 cho rằng: Vấn đề quan trọng nhất của dự án “treo” là ở công tác bồi thường. Phải làm sao để những người nằm trong quy hoạch được hưởng đầy đủ quyền lợi, giúp họ ổn định cuộc sống. Đối với các dự án chậm triển khai, nên có cơ chế ràng buộc chủ đầu tư như: Ký quỹ hoặc giao đất và ấn định thời gian thực hiện, nếu chậm trễ sẽ xử phạt và thu hồi dự án. Qua đó để tránh tình trạng "xí phần" đất đai, hoặc chuyển nhượng để trục lợi.
Cùng quan điểm trên, ông Lâm Thiếu Quân, Đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần áp dụng các quy định, biện pháp chế tài đánh thuế dự án. Dự án được chấp thuận địa điểm, chủ đầu tư phải ký quỹ và cam kết thực hiện dự án. Nếu chậm tiến độ, chủ đầu tư phải đóng mức phí cao hơn với hình thức năm sau cao hơn năm trước. Thông qua hình thức này, chủ đầu tư sẽ không dám kéo dài dự án vì nếu để chậm sẽ bị thiệt hại.
Đồng chí Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết: Sắp tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ rà soát những quy hoạch không phù hợp, thiếu tính khả thi ở các quận, huyện. Các địa phương khi lập quy hoạch, bắt buộc phải có sự tham gia của các sở chức năng để cập nhật quy hoạch ngành. Sau đó cần công khai tất cả các hạng mục trong quy hoạch, vị trí để người dân biết hoặc khi không thực hiện nữa thì cũng phải công bố rộng rãi đến người dân”.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VIII, đồng chí Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với những dự án đã đền bù cho dân được 50% sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án, thời gian gia hạn tối đa là 12 tháng. Đối với những dự án không thể thỏa thuận đền bù được, UBND thành phố sẽ xem xét thu hồi. Những dự án vì mục tiêu phát triển lâu dài của thành phố thì phải công bố công khai về lộ trình, bảo đảm quyền lợi cho người dân trong khu vực bị quy hoạch".
Để đẩy nhanh thực hiện quy hoạch đô thị, UBND thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện trong đó tập trung giám sát các dự án đầu tư theo quy định, tránh phát sinh dự án chậm tiến độ kéo dài; đối với nhà ở của người dân trong khu vực quy hoạch cần bảo đảm quyền lợi, hạn chế gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến đời sống sinh hoạt. Trong thời gian tới, đối với các nội dung đã có kế hoạch thực hiện sẽ được công khai nguồn lực, thời gian và lộ trình thực hiện để cộng đồng dân cư được biết và giám sát thực hiện theo quy hoạch; mạnh dạn xóa các quy hoạch “treo”... Thành phố sẽ ban hành Dự thảo về lập các quy hoạch đô thị với các nội dung như: Phân công nhiệm vụ, quy định các loại đồ án quy hoạch phải thực hiện, người chịu trách nhiệm, tiến độ thực hiện…
Những cam kết và giải pháp mới trong việc chấn chỉnh việc quy hoạch đô thị, rà soát xử lý những vướng mắc để giải tỏa dự án quy hoạch “treo” được UBND TP Hồ Chí Minh đưa ra, khi được triển khai sẽ sớm xóa các dự án quy hoạch treo, bảo đảm quyền lợi cho người dân trong vùng quy hoạch, qua đó giúp thành phố thực hiện tốt đồ án quy hoạch, hướng đến đô thị văn minh, hiện đại.
DiaOcOnline.vn - Theo QĐND