Đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng bỏ thủ tục công chứng, chứng thực các hợp đồng liên quan đến giao dịch nhà, đất. Các ý kiến đồng tình và không đồng tình đều đưa ra những bằng cứ thuyết phục.
Vừa cải cách, vừa tiết kiệm
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, bỏ 7 loại hợp đồng giao dịch nhà ở không còn bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực (mua bán, tặng cho, thừa kế, thế chấp…). Tại buổi tham vấn về việc thực thi Nghị quyết của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng, giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất, do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) tổ chức mới đây, nhiếu ý kiến đồng tình nên bãi bỏ quy định bắt buộc công chứng đối với các hợp đồng dân sự liên quan về nhà ở và quyền sử dụng đất. Thay vào đó, người dân có quyền tự quyết định có công chứng hay không.
Các chuyên gia cho biết, Bộ luật Dân sự đã quy định, người dân có quyền tự định đoạt trong các giao dịch dân sự với nhiều hình thức như giao dịch bằng miệng giữa hai bên, bằng văn bản hoặc hợp đồng có sự làm chứng của bên thứ ba. Vì vậy, quy định hiện hành bắt buộc các giao dịch về nhà đất phải công chứng là không hợp lý.
Theo tính toán của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, nếu bãi bỏ quy định bắt buộc phải công chứng sẽ tiết kiệm được 2.700 tỷ đồng/năm. Phương án này cũng đã được Chính phủ thông qua tại các Nghị quyết số 25/2010 và 52/2010.
Có chuyên gia cho rằng, đây là chính sách phù hợp. Nguồn gốc của vấn đề là kiểm soát hành vi vi phạm trong giao dịch mua bán nhà, đất. Điều này đã có luật định và các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra. Nếu như tất cả việc giao dịch đều qua sàn giao dịch BĐS thì tất cả các tổ chức này kể cả các ngân hàng tham gia trong thanh toán đều có bộ phận thanh, kiểm tra và như thế Nhà nước thu được thuế vì hiện nay việc mua bán nhà đất thường do các chủ sở hữu BĐS thực hiện hoặc thông qua "cò" nhà đất nên thường xảy ra kiện tụng. "Chẳng qua là một thời gian dài chúng ta giao trách nhiệm cho công chứng nên chỉ là thói quen mà thôi. Hãy học tập theo các nước tiên tiến, làm rồi dần dần sẽ quen.
Công chức ngành công chứng cũng đừng vì quyền lợi của ngành mà phản ứng vì còn nhiều việc phải làm lắm, không cần thiết phải ôm đồm" - vị này thẳng thắn nói.
Vẫn còn những lo ngại
Theo bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), việc đề xuất của Bộ Xây dựng có liên quan đến nhiều văn bản và các chủ trương, chính sách của Nhà nước thuộc hệ thống pháp luật về dân sự, kinh tế, đất đai, xây dựng, công chứng, chứng thực, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm… Vì vậy, không thể nói một cách đơn giản là bỏ công chứng đối với các loại hợp đồng, giao dịch về bất động sản, hoặc chỉ sửa các điều khoản của Luật Đất đai, Luật Nhà ở về vấn đề này, mà sẽ còn hàng loạt vấn đề, quy định, văn bản có liên quan cần phải giải quyết.
Đại diện một văn phòng công chứng ở đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc bắt buộc công chứng nhà, đất như hiện nay có lợi cho cả Nhà nước và người dân, đặc biệt là trong quản lý và phòng ngừa các tranh chấp. Nhân viên văn phòng này cho hay: "So với các lĩnh vực khác, trong những năm nay, lĩnh vực đất đai xảy ra tranh chấp, khiếu kiện nhiều, thế nên công chứng, chứng thực là một trong những cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp".
Khi trao đổi với lãnh đạo nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, họ cũng tỏ ra lo lắng nếu bỏ thủ tục này. Bởi nếu bỏ, mọi công việc sẽ dồn lên vai các văn phòng đăng ký nhà đất của địa phương. Mà chức năng, nhiệm vụ của văn phòng này hiện đang rất "nặng".
Có thể thấy, những ý kiến trên đều có những biện luận cho quan điểm của mình. Thiết nghĩ, về quản lý Nhà nước, đây là chủ trương đúng, bởi chúng ta đang thực hiện cải cách thủ tục hành chính, từng bước giảm dần, loại bỏ dần những thủ tục hành chính rườm rà, gây "khó" cho đối tượng có nhu cầu giải quyết. Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã rút ngắn nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, mỗi bộ, ngành đều tiết kiệm tới hàng tỉ đồng mỗi năm. Như ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) nói: "Vấn đề này sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tham vấn, hội thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành, chuyên gia… để có cái nhìn đa chiều hơn, nhằm tìm ra phương án có lợi nhất cho người dân"… Điều này rấtđáng phải suy ngẫm.
Cần hiểu rõ nội dung phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính này không phải là bãi bỏ hoạt động công chứng mà là chuyển từ việc bắt buộc người dân phải công chứng sang việc họ tự quyết định có công chứng hay không đối với các hợp đồng giao dịch về nhà ở và quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP)
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị