Công chức nghèo và giấc mơ mua nhà ở giá thấp

Cập nhật 09/02/2009 09:45

Để có một nơi ăn chốn ở ổn định là niềm mơ ước của nhiều công chức nghèo sinh sống và làm việc trên địa bàn Hà Nội. Khi nhà nước đưa ra chủ trương ưu đãi phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, nhiều công chức nghèo đã nhen nhóm những tia hy vọng… an cư lạc nghiệp.

Tiền lương chỉ đủ... thuê nhà

Đã có thời thị trường bất động sản lên cơn sốt, Hà Nội lại nằm trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Đối với những công chức nghèo sống ở Thủ đô, tiền lương chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và cuộc sống vô cùng chật vật nếu họ không kiếm thêm kế sinh nhai. Nhiều người không dám mơ sở hữu một ngôi nhà hay một căn hộ chung cư cho bản thân, kể cả khi họ về hưu.

Anh Trần Đức Trứ (công tác tại Trung tâm Hải văn, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam) cho biết, anh đã đi làm được 8 năm, nhưng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện mua nhà ở Hà Nội. Trong cơ quan anh có khoảng 20 công chức trẻ cùng cảnh ngộ như vậy.

"Hai năm đầu làm hợp đồng với cơ quan, tôi nhận được mức lương 300 nghìn đồng/tháng. Và mức lương hiện nay sau sáu năm tôi vào biên chế nhà nước và qua một lần tăng lương (sau khi đã trừ bảo hiểm) là 1.350.000 đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ cho tôi trả tiền thuê nhà hàng tháng. Tiền thưởng Tết dương lịch vừa rồi của tôi chỉ vẻn vẹn 100 nghìn đồng, còn Tết âm lịch được một triệu đồng" - anh Trần Đức Trứ tâm sự.

Còn chị Thanh Hoa (công tác tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) dẫu đã ra trường bảy năm, song hiện lương của chị chỉ một triệu đồng/tháng. Chị mới thi công chức nên vẫn đang hưởng 85% lương khởi điểm, bậc một của ngạch tuyển dụng.

Những người như anh Trứ, chị Hoa chỉ là một phần rất nhỏ trong bộ phận công chức hiện nay có thu nhập thấp. Về học vấn, anh Trần Đức Trứ từng tốt nghiệp hai trường đại học hệ chính quy và đã có bằng thạc sỹ chuyên ngành hồi năm 2006. Còn chị Hoa cũng từng tốt nghiệp loại giỏi trường ĐH Thủy lợi. Đi làm nhiều năm, nhưng để mua được một căn nhà đối với họ như là một điều gì đó quá xa vời.

Và những tia hy vọng


"Nếu chỉ trông chờ vào lương công chức để có thể sinh sống ở Thủ đô thì không thể tồn tại" - nhiều người đã nói với tôi như vậy. Nào tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, tiền điện thoại và cả trăm thứ tiền không tên. Với những người đã lập gia đình, còn đó vô vàn những khó khăn khi sinh con đẻ cái.

Nhưng kể từ khi nhà nước có chủ trương ưu đãi phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, nhiều công chức nghèo đã nhen nhóm những tia hy vọng.

"Theo tờ trình Chính phủ của Bộ Xây dựng, chúng tôi là những đối tượng chính sách đủ điều kiện để được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Nếu ban đầu chỉ phải trả 20% giá trị căn nhà và số tiền còn lại phải trả trong thời hạn 15-20 năm, chúng tôi có thể mua được…" - anh Trần Đức Trứ khấp khởi hy vọng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo vừa cấp bách nhưng cũng là một chủ trương rất lâu dài. Mục tiêu trong năm 2009 - 2010 phải xây được 10 nghìn căn hộ để làm mô hình thí điểm ở Hà Nội, TP. HCM và hai tỉnh có nhiều công nhân là Đồng Nai và Bình Dương.

Thêm vào đó, Bộ Xây dựng đang đề nghị Chính phủ cho phép thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm giúp người dân có điều kiện cải thiện chỗ ở. Quỹ này được xây dựng như hình thức bảo hiểm xã hội, mức đóng góp dự kiến từ 3 đến 5% lương/người/tháng. Quỹ sẽ cho người dân vay tiền mua nhà ở với lãi suất thấp (đối tượng được vay sẽ có quy định rõ ràng), đồng thời ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng tham gia chương trình phát triển nhà ở vay vốn triển khai dự án, nhằm đảm bảo cả cung lẫn cầu.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nếu duy trì theo hình thức như bảo hiểm xã hội thì có khoảng 9 triệu người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở và hàng năm sẽ dành được khoảng 10.000 tỷ đồng cho việc cải thiện chỗ ở cũng như đầu tư xây mới. Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ giải quyết được vấn đề vốn dài hạn trên cơ sở lấy số đông giúp số ít và xã hội hóa công tác phát triển nhà ở, thu hút mọi đối tượng tham gia.

Đây phải chăng là niềm hy vọng của các công chức nghèo đang thực sự khó khăn về nhà ở?

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị