"Thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, mà làm các cổng chào tạm, kinh phí xây dựng vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng", Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết sáng 25/6.
Tại cuộc giao ban của lãnh đạo thành phố với các quận huyện, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, chủ trương xây dựng 5 cổng chào ở các tuyến đường lớn nằm trong kế hoạch các công trình kỷ niệm 1000 năm, được Thủ tướng phê duyệt.
"Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn là làm cổng chào như thế nào, có tốn kém lãng phí không, tại sao không dùng tiền đó để làm việc khác như xóa nhà dột nát... Tôi đã hội ý với lãnh đạo thành phố, cần cân nhắc thận trọng và lắng nghe dư luận", Bí thư Thành ủy nói.
Thiết kế cổng chào hình trống đồng trên tuyến đường Láng - Hòa Lạc. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc HN. |
Theo ông Phạm Quang Nghị, tỉnh Phú Thọ đã làm cổng chào tạm vào Đền Hùng trong những dịp kỷ niệm năm chẵn. Sau 20 năm có cổng chào tạm, tỉnh mới xây dựng cổng chào kiên cố. Do vậy, Hà Nội sẽ xây dựng tạm các cổng chào ở các cửa ô, sau đó lấy ý kiến người dân.
"Thành phố sẽ không làm ngay các cổng chào vĩnh cửu, nếu làm tạm thấy chưa ổn thì gỡ ra. Kinh phí xây dựng sẽ vừa phải, không phải là 50 tỷ đồng. Các nhà tài trợ thường đưa ra con số quá cao song thực tế thì không đến vậy", ông Nghị khẳng định.
Cũng theo Bí thư Thành ủy, số tiền đầu tư các chương trình xóa nhà dột nát hay xóa đói giảm nghèo đã được thành phố tính đến.
Trao đổi với báo chí về tiến độ xây dựng các cổng chào trong vòng 100 ngày để kịp sử dụng vào dịp đại lễ 1000 năm, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thành phố đã tính toán để các cổng chào đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Trả lời về việc những biểu tượng Hà Nội chưa được đề cập trong các thiết kế cổng chào, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng, Hà Nội là thủ đô của cả nước nên các công trình kiến trúc dựa trên các sự kiện, giá trị biểu trưng về văn hóa, lịch sử của đất nước. Vừa qua, các ngành đưa ra 5 phương án để lựa chọn, song lãnh đạo thành phố chưa quyết định chính thức.
Công tác chỉnh trang các tuyến đường ở thành phố cũng được bàn thảo trong cuộc họp sáng 25/6. Theo ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, dự án lát đá xanh tại hồ Hoàn Kiếm đã được các sở ngành đồng thuận, các khu phố cổ cũng được lát vỉa hè bằng đá xanh. Tuy nhiên, khi thực hiện tại hồ Hoàn Kiếm đã có dư luận không đồng tình khiến cho dự án phải đình lại.
"Chúng tôi mong muốn làm đẹp cho thủ đô, toàn bộ phố cổ đã làm, không có gì là tốn kém nếu làm cả khu vực Hồ Gươm. Tuy nhiên, cần phải có đồng thuận của dân tại những khu vực nhạy cảm", ông Viện nói.
Đề cập vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, chủ trương lát vỉa hè mới là đúng song cách làm chưa đồng bộ. Lát gạch tuyến nào, gạch cũ sử dụng thế nào chưa được thông tin đến người dân. Sau khi dư luận có ý kiến thì chính quyền mới giải thích. "Dự án lát vỉa hè Hồ Gươm có từ lâu, song chưa thực hiện hợp lý, phải dừng lại vì như thế", ông Nghị nhận xét.
Theo ông Nghị, chất lượng công trình lát vỉa hè trên nhiều tuyến phố cũng chưa đảm bảo, nhiều người dân cho rằng vỉa hè mới còn xấu hơn cái cũ. "Đúng ra làm công trình công cộng phải làm tốt hơn nhà mình song thực tế không được như thế. Làm vỉa hè mới nhưng ẩu là rất đáng chê trách", Bí thư Thành ủy nói.
Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các công trình chỉnh trang thành phố phải hoàn thành trong tháng 7. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải làm đâu gọn đấy, chú trọng chất lượng công trình.
Ngày 22/6 UBND Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các huyện tiến hành thu hồi 14.000 m2 đất để xây dựng 5 cổng chào trên các tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long, quốc lộ 5, quốc lộ 1A, Láng - Hòa Lạc. Tổng kinh phí xây dựng 5 cổng chào dự kiến khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần Him Lam và Công ty Cổ phần Vincom sẽ dành tặng thành phố. 3 doanh nghiệp còn lại dự định ủng hộ ít nhất 50% kinh phí xây dựng 3 cổng chào.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress