UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP. Nhiều dấu hỏi được đặt ra đằng sau quyết định này.
Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam là công trình không thuộc kiến trúc Pháp, nhưng vẫn có tên trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu vừa được công bố ở Huế - Ảnh: NHẬT LINH |
Quỹ kiến trúc đô thị không phải chỉ là những công trình kiến trúc đặc biệt, đặc sắc, mà nó phải nhiều hơn rất nhiều, nhiều loại hình, nhiều phong cách, nhiều thời kỳ và to, nhỏ, giàu sang, hèn kém... Tổng thể của nó phải mang tính chất tích hợp, đông đảo, chứ không thể chỉ bảo vệ những đơn chiếc GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH |
Quyết định khó hiểu?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là một quyết định khá khó hiểu bởi trong số 27 công trình kiến trúc được nêu có 2 công trình không phải là kiến trúc Pháp, đó là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam.
Theo ông Hoa, nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam hiện nay được khởi công xây dựng vào năm 1960, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.
Sau nhiều biến cố lịch sử, đến tận năm 2000 nhà thờ này mới chính thức hoàn thành. Còn nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - tên theo như trong quyết định - được khởi công xây dựng vào tháng 1-1959, tức không nằm trong giai đoạn thuộc Pháp.
Một điểm khó hiểu nữa là tại sao ở Huế lại chỉ có 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu? Theo ông Hoa, nhiều công trình kiến trúc Pháp có giá trị đáng được gấp rút quan tâm, bảo tồn như ngôi biệt thự cổ ở số 26 Lê Lợi lại không có tên trong danh sách.
Công trình này được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, hiện là trụ sở của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế và đang nằm trên vị trí "đất vàng" của TP.
Cũng theo ông Hoa, quyết định này không chỉ khó hiểu mà còn... buồn cười về mặt học thuật. Ví dụ như công trình bia Quốc học phải gọi tên chính xác là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Còn "tên chính xác của công trình nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Trong khuôn viên nhà thờ này có một dãy nhà tu viện 2 tầng, đấy mới là kiến trúc Pháp. Điều này chứng tỏ người tham mưu lập nên danh sách này không am hiểu về Huế" - ông Hoa nói.
Ông Hoa cho rằng quyết định của tỉnh chỉ mang tính đối phó. "Dư luận cho rằng các công trình kiến trúc Pháp nằm ngoài danh sách 27 công trình này thì tỉnh có quyền đập bỏ" - ông Hoa nói.
Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không thuộc kiến trúc Pháp, nhưng vẫn có tên trong danh sách 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu - Ảnh: NHẬT LINH |
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, có 11 công trình kiến trúc Pháp thuộc sở hữu của Nhà nước bao gồm: cơ quan ĐH Huế, bia Quốc học, Trường Quốc học, Trường Hai Bà Trưng, trụ sở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhà trưng bày Điềm Phùng Thị, dãy lớp học Trường tiểu học Lê Lợi, dãy lớp học A&B Trường ĐH Khoa học Huế, Trường CĐ Công nghiệp Huế, Trung tâm Festival, sân vận động Tự Do.
16 công trình kiến trúc thuộc sở hữu của các tổ chức gồm: ga Huế, khách sạn Sài Gòn Morin, nhà hàng Festival Huế, La Residence Hue Hotel & Spa, khách sạn Le Domaine de Cocodo, Nhà máy nước Vạn Niên, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo xứ Chính tòa Phủ Cam (Dòng Khâm Mạng), nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam, Tòa tổng giám mục Huế, tu viện Thánh Tâm, Đại chủng viện Huế, Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm, đan viện Carmel Huế, nhà thờ Phanxico, nhà nguyện (Hội Dòng Thánh Phao Lô).