Chiều tối 19/5, Thành ủy TP.HCM đã có cuộc họp đột xuất với lãnh đạo UBND 24 quận, huyện và các sở ngành liên quan để chỉ đạo xử lý tình trạng giá đất tăng đột biến, phân lô bán nền và “cò” đất có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá.
Tại cuộc gặp giữa Thành ủy và đại diện tất cả các cơ quan liên quan của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay: "Hiện nay cò đất không quản lý được, cùng với thông tin về hành chính, hạ tầng được đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố, cò đất dựa vào thổi giá lên thành sốt ảo. Do đó TP.HCM cần phải có thông tin chính thức 2 chiều về quy mô dự án, tiến độ thực hiện... để người dân nắm được không chạy theo các tin đồn".
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM ông Lê Văn Khoa: "Để hạ nhiệt cơn sổ đất thành phố sẽ công khai về kế hoạch sử dụng đất của tất cả các quận, huyện về quy hoạch phường, xã để người dân hiểu một cách chính xác nhất".
“Tôi đang chỉ đạo tạo xây dựng một phần mềm trên điện thoại để bất cứ người dân nào sử dụng phần mềm này đều biết quy hoạch mảnh đất đó là quy hoạch gì mà không cần lên phường, lên quận. Các quận có thể cập nhật thông tin lên mềm này và cố gắng từ nay đến cuối tháng 12 phải hoàn thành đưa vào vận hành”, ông Khoa cho biết.
Ông Khoa cũng thông tin thêm các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn vẫn chưa đủ để chuyển thành quận. Về cầu Bình Khánh (huyện Bình Khánh), ông Khoa cho rằng dự án này mới có chủ trương của Thủ tướng, từ chủ trương đến thực tế còn phải mất một thời gian dài nữa. Đối với huyện Củ Chi, ông Khoa cho biết đúng là có doanh nghiệp xin định đầu tư tuyến đường ven sông và khu đô thị ở xã Trung An, nhưng Chủ tịch UBND TP.HCM đã không chấp thuận mà hướng tập trung vào khu đô thị Tây bắc Củ Chỉ đã có quy hoạch. Bên cạnh đó, dự án đại lộ ven sông Sài Gòn của tập đoàn Tuần Châu cũng mới chỉ là ý tưởng, doanh nghiệp chưa trình giải pháp cụ thể.
“Hiện nay, các quận huyện tăng cường quản lý, không để phân lô bán nền tự phát. Có hiện tượng một số các nhà đầu cơ mua gom đất của dân nhưng không sang tên rồi nhờ chủ đất phân lô tách thửa. Điều này quận huyện cần ngăn chặn, tăng cường quản lý. Kể cả tăng cường quản lý về cán bộ. Yêu cầu Ngân hàng hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định 33 sắp tới thay thế là đảm bảo lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và ngăn chặn trục lợi bất chính của đầu cơ, phá vỡ quy hoạch”, ông Khoa cho hay.
Tại hội nghị Phó bí thương thường trực Thành uỷ TP.HCM Tất Thành Cang cũng chỉ đạo các địa phương phải có giải pháp ổn định tình hình, không để người dân chạy theo tin đồn, gây sốt đất ảo. Thông tin phải rõ ràng, công khai quy hoạch. Đối với các huyện còn nhiều nông dân, phải lập các tổ công tác xuống thông tin để người dân nắm rõ.
"Chấn chỉnh, tăng cường kiểm tra giám sát xử lý cán bộ. Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ, thanh tra vào cuộc kiểm tra xử lý, đặc biệt là những trường hợp thao túng, trục lợi cá nhân. Các quận huyện chỉ đạo công an vào cuộc, kể cả công an TP.HCM điều tra xử lý hình sự “cò” đất có dấu hiệu lừa đảo, thổi giá đất không đúng để trục lợi. Phải làm sao ổn định thị trường, ổn định cuộc sống người dân”, ông Cang chỉ đạo.
Trước đó tại cuộc tọa đàm về chủ đề tìm giải pháp ngăn chặn cơn sốt đất tại TP.HCM do báo Pháp luật TP.HCM tổ chức, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Danh Khôi Á châu, cho biết giá đất tại khu Đông Tăng Long, quận 9 từ đầu năm 2016 chỉ ở vào khoảng 10-12 triệu đồng/m2, đến cuối năm đã tăng lên mức 15-17 triệu đồng/m2. Tương tự, hiện khu vực quận 9 giao dịch chủ yếu 20-24 triệu đồng/m2.
“Việc tăng giá đất nền ở những khu vực này là do thông tin bùng nổ về quy hoạch hạ tầng, thông tin các huyện sẽ lên quận cũng khiến việc tăng giá lan rộng. Việc tăng giá như vậy đang gây hoang mang cho người mua, thậm chí có người cảm thấy hoảng sợ và không dám tham gia thị trường", ông Lâm nói.
Cùng quan điểm với ông Lâm, ông Nguyễn Cao Trí, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Bến Thành, nhận định việc tăng giá đất như hiện nay có hiện tượng “té nước theo mưa”, ăn theo để thổi giá. Cụ thể, hiện nay nhiều chủ đầu tư dùng chiêu “làm giá” đất, đầu tiên họ mua một khu đất với giá rất thấp, sau đó mua tiếp một khu đất bên cạnh với giá gấp 5-10 lần để nâng giá khu đất đã mua trước đó.
"Ví dụ, họ mua khu đất khoảng 100 ha, giá 5 triệu đồng/m2, sau đó họ liền mua khu bên cạnh với giá 50 triệu đồng/m2. Điều này khiến nhiều người, kể cả các tổ chức thẩm định giá đất cũng không còn định giá khu đất trước đó của họ là 5 triệu đồng/m2 nữa", ông Trí cho hay.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP (Horea) đã từng chỉ thẳng thủ phạm làm loạn thị trường chính là giới cò đất: “Khác với những nhà môi giới đã được cấp chứng chỉ hành nghề, đội ngũ này không có chứng chỉ gì. Chỉ cần đi ra khu vực vùng ven thì gặp nhan nhản cò đất”.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ