Đối với những condotel, biệt thự biển mà chủ đầu tư cam kết lợi nhuận từ 8 - 12%, trong 8 - 12 năm, thì trong giá bán có thể đã được nâng lên, đủ để chi trả khoản cam kết lợi nhuận này, cho nhà đầu tư thứ cấp và cả chi phí trang bị căn hộ, chi phí quản lý khai thác kinh doanh.
Thông tin trên được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong văn bản mới đây, liên quan đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo HoREA, chủ đầu tư bán căn hộ condotel với giá phổ biến dao động từ khoảng 25 - 55 triệu đồng/m2, khoảng trên 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/căn, tùy thuộc đẳng cấp dự án, địa điểm dự án, vị trí căn hộ, và có cam kết lợi nhuận hoặc không có cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp. Giá bán này cao vì tương đương với giá bán căn hộ trung cao cấp tại TP.HCM.
Hiệp hội nhận định, các chủ đầu tư dự án condotel đã thu được lợi nhuận rất lớn, do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ trung cao cấp. Trong khi đó, giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền thuê đất dự án vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.
Về việc nộp tiền thuê đất thấp, HoREA dẫn chứng UBND tỉnh Khánh Hòa trong Báo cáo số 3014/UBND-XDNĐ, ngày 30/03/2018, đã nhận định "Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng quá thấp, vì thu tiền sử dụng đất theo mục đích đất sản xuất kinh doanh".
Nghi vấn nâng giá bán để cam kết lợi nhuận của các dự án nghỉ dưỡng là vấn đề được nhiều chuyên gia bàn luận. Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, đưa ra ví dụ cụ thể để thấy bài toán cam kết lợi nhuận 10%/năm trong 10 năm.
Bài toán như sau: Giả sử chủ đầu tư có thể bán condotel với mức giá 1 tỷ/căn (mức giá đã có lợi nhuận của chủ đầu tư khoảng 30%) nếu không cam kết lợi nhuận. Tuy nhiên, để tăng sức hút, chủ đầu tư tăng giá bán lên 2 tỷ/căn, kèm chương trình cam kết lợi nhuận 10%/năm, trong 10 năm.
Mỗi năm, chủ đầu tư phải trả cho khách hàng 200 triệu. Số tiền này tạm tính đến từ 2 nguồn: 1 là lợi nhuận từ khai thác condotel khoảng 5% (tương đương 100 triệu/năm); 2 là số tiền 1 tỷ chủ đầu tư đã tăng giá sẽ được đầu tư tiếp tục mà chỉ phải trả lãi 10%/năm (tương đương 100 triệu/năm).
Với phương án này, chủ đầu tư không chỉ đảm bảo lợi nhuận 30% so với bán giá 1 tỷ/căn, mà còn có thể huy động thêm nguồn vốn lớn để phát triển dự án mới, với lãi suất quá rẻ (chỉ 10%/năm) so với vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, lại dễ bán hàng nhờ bài toán so sánh lợi nhuận so với gửi tiền tiết kiệm.
Nhiều chuyên gia tin rằng, việc nâng giá bán để cam kết lợi nhuận cao là việc hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi theo Savills Việt Nam từng công bố con số cam kết lợi nhuận tại một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Phuket (Thái Lan) là 7% trong 3 - 5 năm và tại Bali là 7% trong 2 - 3 năm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, con số cam kết đã vượt quá xa.
Trong khi đó, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8 - 12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. Các nhà đầu tư và người mua nước ngoài đã bắt đầu cảm nhận được rõ những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao và bắt đầu từ chối các giao dịch trên cơ sở này”, ông Michael Piro nói.
Tổng giám đốc JLL Việt Nam, ông Stephen Wyatt, cho rằng, chính sách cam kết lợi nhuận là một yếu tố quan trọng khiến loại hình này trở nên hấp dẫn và khác biệt với các loại hình bất động sản khác, nên việc cạnh tranh về mức cam kết lợi nhuận giữa các dự án là điều đương nhiên.
“Tuy nhiên, cần lưu ý khi các dự án được đưa vào vận hành và có đạt đúng mức lợi nhuận như đã cam kết hay không thì vẫn chưa thể xác nhận được mà phải chờ vào diễn biến tiếp theo của thị trường”, ông Stephen Wyatt cảnh báo.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet