Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản hôm 15/10. Nhưng một số chồng chéo của quy định đang khiến giới kinh doanh địa ốc loay hoay.
Có thể kể ra đây một số điều vô lý. Theo quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản là 6 tỷ đồng. Con số này không có căn cứ. Đó là còn chưa kể đến việc ai sẽ quản lý vốn pháp định? Ai chịu trách nhiệm xác nhận vốn pháp định? Nếu có vốn pháp định rồi thì doanh nghiệp có được dùng tiền đó để kinh doanh không hay phải ký gửi để đảm bảo an toàn cho khách hàng và chủ nợ? Tất cả đều chưa có câu trả lời.
Việc xác nhận vốn pháp định thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã và đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, trong nghị định 139 ban hành trước đó 40 ngày, ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, mức vốn pháp định cụ thể, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận vốn pháp định, hồ sơ, điều kiện và cách thức xác nhận vốn pháp định áp dụng theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Như vậy, quy định về vốn pháp định giữa pháp luật về doanh nghiệp và kinh doanh bất động sản đã có sự chồng chéo và làm cho kinh doanh bất động sản khó xử. Pháp luật về doanh nghiệp bảo theo quy định của pháp luật chuyên ngành, còn pháp luật chuyên ngành (kinh doanh bất động sản) bảo theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Như vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh không biết phải căn cứ vào đâu.
Về các loại chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản, theo nghị định, cá nhân hoạt động môi giới, định giá bất động sản phải được đào tạo kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn. Nhưng một trong những điều kiện đối với cơ sở đào tạo lại là có chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với chương trình khung do Bộ Xây dựng ban hành. Ngoài ra người xin cấp chứng chỉ phải nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ tại cơ quan có thẩm quyền do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Như vậy, doanh nghiệp và người dân lại phải tiếp tục chờ Bộ Xây dựng ban hành chương trình khung đào tạo các loại chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản và hy vọng UBND cấp tỉnh sớm chỉ định cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin cấp chứng chỉ để người dân có thể yên tâm kinh doanh.
Ngoài ra, một trong những điều kiện để trở thành người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản là có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản. Như vậy, để trở thành người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản, cá nhân bắt buộc phải có thêm một loại chứng chỉ sau khi được đào tạo. Và tất nhiên, lại tiếp tục phải chờ đợi Bộ Xây dựng.
Như vậy, tuy Nghị định 153 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản đã ra đời nhưng người dân và doanh nghiệp tiếp tục gặp vướng mắc. Hiện việc quản lý bất động sản phải thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, rồi Luật Kinh doanh bất động sản và hàng loạt nghị định, thông tư hướng dẫn khác nên hiển nhiên chồng chéo là điều không thể tránh khỏi.
Theo TBKTSG