“Cơn sốt” đất Long Thành và nỗi ám ảnh đất Mê Linh

Cập nhật 02/07/2015 10:31

Long Thành đang là điểm nóng của giới "cò đất" khi dự án sân bay quốc tế Long Thanh được thông qua. Giá đất đang được "thổi" lên từng ngày dẫn tới mối lo về "bong bóng" có thể xảy ra ở đây.


Tóm tắt:

-Sân bay quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư khái toán khoảng 16 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 khoảng 5,45 tỷ USD vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

-Đất Long Thành lại đang hút giới "cò" đất. Giá đất đang tăng nhiệt trở lại khiến nhiều người lo ngại về "cơn sốt" đất Long Thành có thể quay lại do giới cò đất thổi giá.


Sau nhiều năm đưa ra thảo luận, đã có nhiều ý kiến trái chiều về dự án sân bay quốc tế Long Thành, nhưng cuối cùng dự án này cũng đã có được sự tán thành của đa số đại biểu Quốc hội. Chủ trương đầu tư dự án đã được Quốc hội thông qua mới đây với tỷ lệ đồng ý là 93%.

Theo đó, sân bay quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư khái toán khoảng 16 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 khoảng 5,45 tỷ USD.

Với quy mô tầm cỡ quốc tế, chắc chắn sân bay Long Thành sẽ có sức hút rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai. Chính vì thế ngay khi có thông tin về quy hoạch sân bay Long Thành (Đồng Nai), từ 2009 bất động sản khu vực này đã “nóng” lên từng ngày, “cò” đất bắt đầu nở rộ nơi đây tạo nên một “cơn sốt” đất chưa từng thấy.


Giới đầu tư Sài Gòn, Hà Nội đã săn đất Long Thành từ những năm 2009 nhằm kiếm lời từ đền bù hoặc chuyển nhượng lại khi giá đất tăng cao. Theo tính toán của “cò” đất thời đó mỗi héc-ta đất nông nghiệp có giá khoảng 800-900 triệu đồng nhưng nếu dự án triển khai thì giá đền bù có thể lên tới 2 tỷ đồng, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề…

Sau đó dần dần đất nông nghiệp Long Thành bị “thổi” giá lên vài lần, từ 3,2 đến 4 tỷ đồng mỗi héc-ta. Có người tỉnh táo kiếm lời lớn từ đất Long Thành nhưng cũng không ít nhà đầu tư phải nếm “trái đắng” trong con sốt đất trước đây. Nay, đất Long Thành lại đang “nóng” trở lại sau cái “bấm nút” của Quốc hội.

Trước đây mỗi héc –ta đất nông nghiệp được chào bán khoảng 3,5 đến 4 tỷ đồng thì nay đã được “hét” lên 5,5 – 6 tỷ đồng, đất vườn khoảng 1.000m2 có giá 100 triệu đồng thì này cũng được “thổi” lên 110 -120 triệu đồng, đất nền dự án được chào bán từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/m2 tùy từng dự án…

Xét về vị trí, sân bay Long Thành cách trung tâm Tp.HCM khoảng 30km, cũng tương đồng với sân bay quốc tế Nội Bài với Thủ đô Hà Nội. Nhưng điểm khác biệt ở đây đó là sân bay Nội Bài đã đi vào hoạt động, gần đây tiếp tục được mở rộng…còn Long Thành thì mới chỉ là chủ trương đầu tư, nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng thì có thể công trình này phải tới 2018 mới khởi công xây dựng.

Tuy nhiên, có một điểm tương đồng đó là xung quanh cả 2 sân bay này dự án BĐS đều mọc lên như nấm sau mưa. Tại Hà Nội, những ai đầu tư bất động sản chắc hẳn sẽ không thể quên được “bong bóng” bất động sản ở khu vực Đông Anh hay Mê Linh gần sân bay Nội Bài. Điển hình là dự án biệt thự Quang Minh được xây dựng từ 2003 nhưng đến nay hầu hết các căn biệt thự ở khu đô thị này đều để hoang, thậm chí còn là nơi nuôi lợn.

Đặc biệt, năm 2008 huyện Mê Linh (trước đây thuộc Vĩnh Phúc) được sáp nhập vào Hà Nội, cùng với đó là việc quy hoạch tuyến đường Nhật Tân –Nội Bài, một làn sóng đầu tư BĐS ở khu vực này đã xuất hiện. Hàng trăm dự án khu đô thị mới mọc lên ở Mê Linh, Đông Anh, giá đất nền tại các dự án này tăng chóng mặt từng ngày. Có những lô đất khi đó ghi trong hợp đồng góp vốn chỉ từ 5-7 triệu đồng/m2, nhưng sau nhiều lần mua đi bán lại giá đã được “thổi” lên 18-20 triệu đồng/m2, giá đất thổ cư cũng tăng vù vù từng ngày gấp 2-3 lần so với trước đó.

Tuy nhiên, từ giữa 2011 “bong bóng” bất động sản xì hơi, tài sản của nhiều nhà đầu tư, người dân mua đất chỉ còn 1/3 hoặc một nửa so với ban đầu. Cơn “sốt” đất Mê Linh trở nên kinh hoàng và là nỗi ám ảnh đến nay chưa thể nguôi ngoai đối với rất nhiều nhà đầu tư.

Hiện nay, mặc dù tuyến đường Nhật Tân –Nội Bài đã thông xe, sân bay quốc tế Nội Bài khang trang hơn nhiều với việc mở rộng nhà ga T2 nhưng thị trường địa ốc quanh đây thì vẫn dường như “án binh bất động”.

Trở lại với câu chuyện của Long Thành, dù chưa biết tới khi nào sân bay mới được xây dựng thế nhưng “cuộc đua” săn đất dường như đã ngã ngũ. Quanh khu vực sân bay Long Thành từ gần tới xa dự án BĐS mọc lên như nấm.

Khu vực quanh sân bay có Ruby Town (1,6 ha), Blue Topaz (4,5 ha), Aquamarine Town (20 ha), Victoria City (50 ha), Long Thành Centre 7ha, Thung Lũng Xanh 45ha; Tín Nghĩa và Phú Tín cũng đã sẵn sàng quỹ đất quy mô 50ha; Khu vực Nhơn Trạch cách sân bay chừng 9km có dự án Sunflower City quy mô lên đến 150ha, Đông Sài Gòn 942ha, DreamLand City 1.500ha..Và nhiều dự án vệ tinh khác như Mega của Khang Điền chừng 70ha, Six Sense 55ha, Long Tân 100ha, Đại Phước 400ha…

Sau cái “bấm nút” của Quộc hội đất Long Thành lại đang hút “cò” đất đổ về làm ăn, bằng nhiều chiêu trò giới đầu cơ tại đây đang cố “thổi” giá đất lên tạo cầu ảo nhằm thu lợi. Một số dự án đất nền, giá đất chào bán đã tăng hơn 10% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, đó chỉ là giá “sốt” ảo chưa có nhiều giao dịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức trẻ