Cũng như những lần trước, cơn sốt đất đang diễn ra cũng chỉ lướt qua một số khu vực nhất định ở quận 2, 7, huyện Nhà Bè (TP.HCM). Không quá ồn ào như cơn sốt hồi tháng 3 vừa qua nhưng cơn sốt ngấm ngầm lần này đã đưa giá đất lên đến mức khó tưởng trong sự kinh ngạc của rất nhiều người.
* Giá đất tại nhiều dự án ở Q.7, H.Nhà Bè, Q.2 tăng mỗi ngày đến 1 triệu đồng/m2
Một ngày, giá tăng 800.000 đồng - 1 triệu đồng/m2
Trong vai một người đi mua đất nền dự án, tôi ghé vào Công ty Vạn Phát Hưng hỏi mua đất nền dự án Phú Xuân (Nhà Bè). Chị Trần Thu Hồng, Tổ trưởng kinh doanh của Công ty Vạn Phát Hưng cho biết, hiện dự án này chỉ còn duy nhất một nền rẻ nhất vì nằm ở khu vực phía trong, được rao bán với giá 7,6 triệu đồng/m2, miễn thương lượng. Chị Hồng cũng cho biết những nền ở phía ngoài đều có giá trên 8 triệu đồng/m2. Cách đây không lâu, giá đất ở khu vực này chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/m2. Giá đất tăng nhanh như vậy, chị Hồng giải thích, do nhu cầu quá cao, quá nhiều người đi mua đất. "Chị tin không, chỉ sau có một ngày mà giá đất đã tăng 800.000 - 1 triệu đồng/m2. Đất ở quận 7, huyện Nhà Bè chỗ nào cũng tăng như vậy" - chị Hồng khẳng định.
Thấy tôi có vẻ chưa "tâm phục khẩu phục", chị Hồng lấy ra một biên bản đặt cọc một nền nhà phố tại dự án Phú Xuân của một khách hàng vừa mua chưa đầy một tiếng đồng hồ trước đó với giá 8,2 triệu đồng/m2. "Nếu chị thực lòng muốn mua thì phải đặt cọc liền chứ đến ngày mai, em không bảo đảm được giá này", chị Hồng nói. Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, chị Hồng liền giới thiệu dự án Phú Mỹ "còn một số nền có thể lựa chọn". Nhưng giá ở đây thì khủng khiếp. Cách đây vài tháng, giá đất nền của khu này hơn chục triệu/m2. Giờ thì nhà phố giá thấp nhất là 21 triệu đồng/m2, cao nhất lên tới 35 triệu đồng/m2; đất biệt thự giá trung bình là 19 triệu đồng/m2. Với một nền nhà phố 120m2, khách hàng phải bỏ ra từ 2,5 - 4,2 tỉ đồng!
Tôi tiếp tục đến Công ty Vạn Hưng Phú hỏi mua đất dự án Phú Xuân. Anh Nguyễn Xuân Đạt, nhân viên kinh doanh của công ty, cho biết "chỉ còn duy nhất một nền nhà phố ở khu A" được bán với giá 6,4 triệu đồng/m2, còn các nền khác đang "ngưng không bán nữa vì giá tăng nhanh quá". Theo anh Đạt, đất ở khu vực này mới lên giá khoảng 10 ngày trở lại đây và đây là cơn sốt đất thứ 2 từ đầu năm tới nay. Cách đây không lâu, giá nền nhà phố tại dự án này chỉ khoảng 4,1 triệu đồng/m2. Có thể thấy, chỉ trong vòng nửa tháng, giá đất nền dự án đã tăng từ 2 - 10 triệu đồng/m2.
Giá tăng, lật kèo
Có một điều là cả 2 cơn sốt đất từ đầu năm đến nay đều chỉ lướt qua chủ yếu ở khu vực quận 2, 7, huyện Nhà Bè. Còn các quận khác, giá đất vẫn ổn định hoặc cũng chỉ nhích lên chút ít không đáng kể. Giải thích về giá đất tăng quá nhanh này, một nhân viên kinh doanh của Công ty Nam Long cho rằng, thông tin người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam là lý do quan trọng nhất đẩy giá đất lên cao. "Không như hàng hóa tiêu dùng khi cơn sốt đi quá, giá sẽ hạ xuống. Cơn sốt trên thị trường bất động sản có sự khác biệt lớn. Đó là khi đến, nó làm giá đất tăng vọt nhưng khi cơn sốt đi qua, giá vẫn đứng yên chứ không hạ xuống. Mức giá này lại bị đội lên nếu có cơn sốt khác tới", nhân viên này giải thích. Tại dự án Nam Long (quận 7), giá đất đã lên 16 - 17 triệu đồng/m2 (tăng khoảng 5 triệu đồng/m2 so với thời điểm tháng 3 vừa qua). Giá đất dự án tại khu vực quận 2 cũng tăng chóng mặt. Tại khu vực dự án Bình Trưng Đông, Thạnh Mỹ Lợi... giá nền cũng đã tăng vài triệu đồng/m2...
Giá đất tăng, các vụ lật kèo mua bán xảy ra ngày càng nhiều. Một "cò" đất cho biết, ông ta mới môi giới một nền nhà phố diện tích 120m2 tại quận 2 với giá 9 triệu đồng/m2, giá trị hợp đồng trên 1 tỉ đồng. Khách hàng đặt cọc 50 triệu đồng, hẹn 1 tuần sau sẽ thanh toán đầy đủ. Chỉ 2 ngày sau đó, người bán đã sang nền này cho một khách hàng khác với giá 11 triệu đồng/m2, chấp nhận bồi thường gấp đôi số tiền đặt cọc là 100 triệu đồng vì "sau khi bồi thường hợp đồng vẫn lời thêm gần 150 triệu đồng". Theo ông này, những vụ lật kèo như vậy xảy ra như "cơm bữa", đặc biệt là thời gian gần đây. Không chỉ các vụ lật kèo giữa các cá nhân với nhau mà những vụ lật kèo giữa các chủ dự án với khách hàng cũng không còn là chuyện hiếm.
Sốt kiểu "đục nước béo cò"!
Cơn sốt đất hồi tháng 3 do các nhà đầu tư trúng đậm từ chứng khoán chuyển sang bất động sản đã để lại "di chứng" không nhỏ. Không ít người bị chôn vốn không thời hạn khi "ôm" nhiều nền đất, căn hộ với giá trên trời mà không bán được. Tuy nhiên, di chứng này vẫn không đủ cảnh tỉnh những người đang say sưa với quan điểm "mua vàng lỗ, mua thổ lời". Theo một chuyên gia kinh tế, nguyên nhân gây cơn sốt lần này rất vô lý mà chỉ những người "quá ngu ngơ" mới bị đánh lừa. Theo đề án mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ, người nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện thì cũng chỉ được mua một căn nhà hoặc căn hộ để ở chứ người nước ngoài chưa được phép mua đất ở Việt Nam. Vì vậy, việc chủ các nền đất đang đẩy giá lên trời với lý do "người nước ngoài sắp được mua nhà, đất" nghe khó lọt. Đó là chưa kể nếu đề án được thông qua nhanh, dự kiến cũng phải đầu năm 2008, những người nước ngoài có nhu cầu mới có thể mua nhà ở Việt Nam. "Có thể kết luận, đây chính là một cơn sốt vô lý theo kiểu "đục nước béo cò" của những người đầu cơ cố tình tung tin hòng kiếm lợi nhuận"- chuyên gia này kết luận.
Ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc ACB: Thời gian gần đây, đất tại một số khu vực ở quận 2, 7 có chiều hướng tăng giá nhưng chỉ diễn ra ở một số dự án tốt, có tiềm năng đầu tư. Nhiều khách hàng tìm mua đất ở quận 7, chủ yếu là vị trí gần các trục giao thông chính, nhất là các khu vực gần dự án cầu Phú Mỹ nối quận 7 với quận 2. Còn tại quận 2 và quận 9, giá đất tại một số khu vực cũng tăng do việc kết nối giao thông (cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông Tây) giữa trung tâm hiện hữu với quận 2 đang rất khẩn trương là những thông tin khiến nhiều nhà đầu tư đi tìm mua đất tại một số dự án tiềm năng. Ngoài ra, có một lý do khác là một số nhà đầu tư định đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng thị trường này đang hạ nhiệt nên họ chuyển hướng đầu tư vào địa ốc để đón thời cơ một khi chính sách nhà ở cho Việt kiều thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ yếu tố "làm giá" của một số chủ đầu tư địa ốc. Những nhà môi giới cũng hay lợi dụng thông tin có lợi cho họ để đẩy giá lên một cách phi thực tế. Do vậy người mua phải tỉnh táo và cần xác minh lại rõ ràng những thông tin đó trước khi quyết định mua. Về phía những người môi giới, để đảm bảo uy tín trong làm ăn cũng cần phải thông tin chính xác cho khách hàng chứ không nên lợi dụng sự mơ hồ của người mua để thổi phồng thông tin gây nhiễu thị trường. T.T.B (ghi)
Theo Nguyên Hằng - Thanh Niên