Cơn sốt đất ảo ở một số nơi tại TP.HCM

Cập nhật 14/09/2007 14:00

Cơn sốt đất tại một số khu vực ở Nam Sài Gòn, Q.2, Q.9 (TPHCM) đang gây cho nhiều người không ít ngạc nhiên, khó hiểu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhu cầu giao dịch vào thời điểm này không quá nóng đủ để tạo một cơn sốt địa ốc như đầu năm 2007, tuy nhiên nhiều mánh lới của chủ đất, chủ đầu tư, Cty môi giới... cùng đám “cò” đang tạo ra cơn sốt ảo.

Cùng nhau đẩy giá

Ngày 11/9/2007, chị Đặng Thị Hương thoả thuận mua nền đất trong một dự án thuộc khu An Phú- An Khánh (Q.2 TPHCM) tại văn phòng môi giới T. trên đường Trần Não ( Q.2) với giá 18,5 triệu đồng/ m2.

Chỉ 20 phút sau, 2 người khác cũng đến hỏi mua cùng nền và sẵn sàng trả 19,2 triệu/m2 vì “ngày nào cũng lên mấy trăm ngàn/m2 nên mua mắc chút cho chắc ăn”.

Tiếc nền đất đẹp và sợ lên giá, chị Hương đề nghị trả 19 triệu/m2 và chồng tiền ngay vì hai người kia mua cao hơn nhưng 15 ngày mới trả đủ nên chủ đất không đồng ý. Chỉ 3 ngày sau, chị Hương mới biết mình bị lừa khi thấy cả hai người trên, nhân viên môi giới và chủ đất ăn nhậu trong một nhà hàng gần nhà!

Tính ra miếng đất 210 m2 chị mua đắt hơn 105 triệu đồng mà còn bị mắng: “Nếu không muốn mua nữa thì mất tiền cọc thôi, đừng lèo nhèo”!

Phạm Thành Nghĩa, nhân viên kinh doanh của Cty Vạn Phát Hưng cho biết: “Nhiều chủ đất không biết có bán thật hay không nhưng ký gửi rồi khi có khách lại cứ đòi giá cao hơn, liên tục như thế 5,6 lần. Cuối cùng chúng tôi phát hiện ra họ không có đất, chỉ ký gửi ảo để làm giá”.

Trong thời gian này chúng tôi còn ghi nhận nhiều Cty môi giới, Cty địa ốc quảng cáo còn rất nhiều nền đất, căn hộ nhưng hầu như sản phẩm nào “tụi em vừa bán xong vì khách mua đông quá”.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Cty Đức Lợi khẳng định: “Đó chỉ là trò làm giá, họ nhìn mặt khách hàng mà lựa cách bán. Nếu khách thật sự cần mua họ dẫn dụ mua nền đất, căn hộ khác với lý do đẹp hơn, rẻ hơn nhưng thật sự cũng là sản phẩm đó”.

Không chỉ thế khá nhiều Cty địa ốc, môi giới không cho khách hàng và chủ nhà đất biết mặt nhau từ lúc đặt cọc cho đến lúc mua bán xong với lý do “ở xa, bận việc”.

Giải thích cho trò này, Trưởng phòng kinh doanh một Cty địa ốc tiết lộ: “Anh muốn bán 15 triệu đồng/m2 nhưng họ có được khách mua đến 17 triệu/ m2. Nếu để anh thấy anh sẽ tìm cách rút lại và giao dịch trực tiếp, bằng cách trên họ ăn nhiều và an toàn hơn”.

Thậm chí có Cty còn nhận tiền cọc của khách sau đó mua lại nền trong hàng chục khách hàng hiện có để bán lại kiếm lời nhiều hơn là chỉ đứng ra hưởng phí giao dịch.

Ngay như Cty tự quảng cáo khá ồn ào thời gian vừa qua như H.Q cũng đứng ra làm “nhà phân phối” mà trong tay không có nhiều sản phẩm, không quyết định được số phận dự án nên khách hàng kiện tụng không ít.

Một tấc lên trời

Tổng Giám đốc một Cty kinh doanh địa ốc khuyến cáo: “Một dự án mà giá chỉ ở mức trung bình nhưng quảng cáo là thiên đường sống , căn hộ thông minh, tiêu chuẩn 5 sao... thì hãy dè chừng”.

Bài học về The Manor, thậm chí cả các khu mệnh danh là hàng đầu như Phú Mỹ Hưng không phải chỗ nào cũng là “không gian sống tuyệt vời” đáng để khách hàng tham khảo.

Ông này cũng đề nghị khách hàng cẩn trọng với lời rao “bán 80% dự án trong vài ngày, chỉ còn vài căn hộ, sẽ nâng giá trong 15 ngày tới...” vì phần lớn đây chỉ là trò “kích cầu” của những chủ đầu tư vì thời gian hiện nay không phải dự án nào cũng hút khách.

Hiện nay nhiều chủ đầu tư ngầm khuyến khích cho việc sang nhượng vì họ dễ dàng thu từ 1-1,5% trên tổng số tiền khách bán ra, thường cao gấp nhiều lần giá hợp đồng gốc, có khi đến 40-50 triệu đồng/ lần chuyển nhượng.

Vì món tiền này họ cũng sẵn sàng cùng đội quân “cò”, nhà phân phối “thổi” sản phẩm của mình lên mây với những lời lẽ như “thiên đường cho những người thành đạt, không gian sống của giới thượng lưu, viên kim cương giữa lòng thành phố”... dù dự án mới chỉ là bãi đất trống ngổn ngang hay chẳng hề có những tiện ích đi kèm như quảng cáo.

Khi chủ dự án, Cty môi giới và đám “cò” hiệp lực cùng nhau “hâm nóng” thị trường địa ốc kiểu trên và tung ra tin “cầu xây xong giá lên vùn vụt, dân chứng khoán chạy sang địa ốc, hàng trăm ngàn Việt kiều và người ngoại quốc sắp đổ xô đi mua nhà, đất...” thì địa ốc không sốt mới lạ.

Không những vậy, họ còn “tự giới thiệu, quảng cáo” cùng hàng loạt chiêu PR trắng đen lẫn lộn để tạo ra cơn sốt đất khó hiểu hiện nay.

Theo Tiền Phong