Còn loay hoay, “guồng” chưa quay

Cập nhật 14/12/2007 11:00

Ngày 15/10/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2007/NĐ-CP để hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong đó, nghị định quy định các cá nhân hoạt động môi giới, định giá bất động sản, quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản phải qua đào tạo kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên môn.
 
Để được cấp chứng chỉ môi giới, định giá bất động sản, các cá nhân phải có đủ các điều kiện như không phải là cán bộ, công chức nhà nước; có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới, định giá bất động sản.
 
Ngoài ra, cá nhân được cấp chứng chỉ định giá bất động sản phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học, người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản cũng phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản.

Đối với các tổ chức, để được phép kinh doanh bất động sản sẽ phải có số vốn pháp định tối thiểu 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, về phía cơ sở đào tạo, điều kiện phải đáp ứng là có chương trình, giáo trình, tài liệu phù hợp với chương trình khung do Bộ Xây dựng ban hành. Ngoài ra, người xin cấp chứng chỉ phải nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ tại cơ quan có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh quy định.
 
Người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản cũng bắt buộc phải có thêm một loại chứng chỉ sau khi được đào tạo. Như vậy, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cũng như các cơ sở đào tạo sẽ phải tiếp tục chờ chương trình khung đào tạo các loại chứng chỉ môi giới và định giá bất động sản.

Trên thực tế, những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực môi giới, đặc biệt là định giá bất động sản đảm đương một công việc rất nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá của loại hàng hóa đặc biệt này.
 
Mặc dù thị trường bất động sản đang dần đi theo quỹ đạo của cơ chế thị trường, nhưng phần lớn những người tham gia giao dịch vẫn chưa thay đổi “lề thói” kinh doanh. Do công tác quản lý còn lỏng lẻo nên giá bất động sản dễ dàng bị thao túng, tình trạng nâng giá ảo luôn diễn ra; tình trạng làm “nhiễu” thông tin khiến người dân không thể đánh giá đúng giá trị thực tế của bất động sản.

Sớm đưa hoạt động kinh doanh bất động sản vào quỹ đạo là việc cấp bách. Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản được ban hành đã có nhiều điều khoản gợi mở, thông thoáng nhằm tạo điều kiện thị trường bất động sản phát triển, đáp ứng được phần nào đòi hỏi của thực tế.

Tuy nhiên, quá trình vận hành đưa những quy định pháp luật vào cuộc sống vẫn chưa thực sự tạo ra một “guồng quay”. Văn bản nối tiếp văn bản và vẫn cứ phải chờ… văn bản, chờ hướng dẫn là câu chuyện đã trở nên quá quen thuộc.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Giám đốc Xí nghiệp đầu tư kinh doanh và tư vấn nhà đất 1, các doanh nghiệp rất hoan nghênh, ủng hộ chủ trương này.

Nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa biết cơ quan nào được phép tổ chức đào tạo, cơ quan nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề. Điều mà các doanh nghiệp mong mỏi nhất hiện nay là bao giờ thì triển khai.

Theo Hanoinet