Còn không những "lá phổi xanh"?

Cập nhật 04/09/2010 13:45

Từ năm 2000, TP Hồ Chí Minh đã đặt chỉ tiêu giai đoạn 2006-2010 diện tích công viên cây xanh sẽ đạt bình quân 5-6m2/người và đến năm 2015 là 7-8m2/người. Tuy nhiên, diện tích công viên hiện chỉ đạt khoảng gần 1m2/người. Trong khi đó, những mảng xanh ít ỏi trong khu vực nội thành lại còn bị "ăn bớt" trong quá trình đô thị hóa!

Nhiều con đường vắng bóng cây xanh


TP Hồ Chí Minh nóng bức, ngột ngạt, thiếu cây xanh là điều mà bất cứ ai cũng dễ dàng nhận thấy. Thậm chí, có nhiều con đường trong TP không có một bóng cây nào! Điển hình là đường Cách mạng Tháng Tám, dài từ quận 1, qua quận 3, quận 10, Tân Bình nhưng chỉ có một đoạn ngắn thuộc quận 3 có vài cây xanh còi cọc, còn lại là… "vùng trắng"! Đường Hai Bà Trưng đoạn từ quận 3 đến Phú Nhuận cũng không có một bóng cây! Để có một chút không khí trong lành, người dân phải "cậy nhờ" vào các công viên. Tuy nhiên, cả TP rộng lớn cũng chỉ có vài công viên như Tao Đàn, Lê Văn Tám, 30-4, Gia Định, Hoàng Văn Thụ…


Cây xanh trong Công viên Lê Văn Tám

Theo Công ty Công viên cây xanh TP, chỉ tiêu cây xanh ở đô thị loại I ít nhất phải đạt 5m2/người. Để đạt đến chỉ tiêu này TP cần phải có thêm gần 4.000ha diện tích công viên, vườn hoa. Đây là điều vô cùng khó bởi quỹ đất dành cho công viên của các quận nội thành hầu như không còn. Trong năm 2009, mặc dù đã có chủ trương đẩy nhanh tiến độ trồng cây xanh nhưng diện tích công viên chỉ tăng được 3,2ha so với năm 2008. Kiếm đất đã khó, mà vấn đề tài chính để đầu tư cũng không phải dễ. Theo tính toán, mỗi mét vuông cây xanh cần đầu tư khoảng 300.000 đồng, vì vậy để có gần 4.000ha cây xanh thì phải đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, chưa kể đến công chăm sóc, bảo dưỡng. Đây là con số quá lớn, trong khi đó, cây xanh là lĩnh vực khó thu hút các nhà đầu tư vì sinh lời ít!

Trong khi việc trồng thêm cây xanh rất khó thì mục tiêu là phải giữ được mảng xanh hiện hữu. Tuy nhiên, những mảng xanh ít ỏi này đang bị mất dần trong quá trình đô thị hóa do quy hoạch cây xanh bị các chủ đầu tư công trình xây dựng xén bớt hoặc "làm lơ".

Liệu mai này…?

Hiện dư luận rất quan tâm đến "số phận" các cây xanh trong Công viên Lê Văn Tám, nơi sẽ được xây dựng bãi đậu xe ngầm công cộng trong thời gian tới. Để làm bãi đậu xe ngầm này, 70% diện tích công viên (40.000 trong tổng số 62.000m2 công viên) sẽ bị chiếm dụng trong 30 tháng, đồng nghĩa với nơi vui chơi, sinh hoạt của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Để có một bãi đậu xe công cộng trong điều kiện quá thiếu chỗ đậu xe như hiện nay thì điều kiện "đánh đổi" này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, vấn đề công luận quan tâm là liệu mảng xanh của công viên sẽ được phục hồi như thế nào sau khi bãi đậu xe đã đi vào hoạt động.

Ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS), chủ đầu tư của dự án cho biết, với phương pháp thi công đào hở từ trên xuống, sẽ có 360 cây xanh trong công viên bị ảnh hưởng. 333 cây trong số này được di dời vào vườn ươm của Công ty Công viên cây xanh TP, 27 cây còn lại phải chặt bỏ vì không thể di dời.

Theo ông Tuấn, tổng số cây xanh trong công viên là 1.331 cây, vì vậy số lượng chặt bỏ chỉ chưa tới 2%. Tuy nhiên, số cây sau khi di dời có được trở về nguyên vị trí cũ ban đầu hay không thì chưa thể biết vì sẽ được trồng lại theo thiết kế mới mà TP phê duyệt. Với 29.000m2 xây dựng bãi đậu xe ngầm (chiếm 48% diện tích công viên), theo thiết kế xây dựng thì lớp đất phủ tại nóc hầm dày từ 1,5 đến 2m. Ông Tuấn cho rằng độ dày này giống như tiêu chuẩn xây dựng các bãi đậu xe ở Anh, Pháp và khẳng định việc trồng các cây gỗ cao trên lớp đất này là có thể bởi có nhiều công trình trên thế giới đã làm được. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trồng cây cổ thụ cao tầng, tán lớn trên lớp đất chỉ 1,5-2m là rất khó. Nếu có loại cây sống được thì cũng không thể trồng ở nơi có đông người vì rất nguy hiểm. Vì vậy, sau khi xây dựng xong, Công viên Lê Văn Tám chắc chắn sẽ không còn nhiều cây cổ thụ như hiện nay!

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới