Còn chờ hướng dẫn thực hiện tách thửa

Cập nhật 23/01/2018 13:25

Quyết định 60/2017 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa (nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền) đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, quyết định này vẫn chưa thể áp dụng, vì thiếu văn bản hướng dẫn.


Một khu dân cư được hình thành sau khi tách thửa 

Khắc phục những lỗ hổng pháp lý

Quyết định 60 thay thế cho Quyết định 33. Trước đây, Quyết định 33 đã có quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tách thửa, xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, do quy định chưa thật chặt và sự buông lỏng quản lý của một số quận - huyện đã dẫn đến tình trạng hàng loạt khu dân cư mới ra đời với cơ sở hạ tầng yếu kém, không kết nối. Quyết định 60 ra đời đã khắc phục những lỗ hổng pháp lý, đảm bảo sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch.

Theo luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), Quyết định 60 đã cơ bản giải quyết những hạn chế của Quyết định 33. Cùng với việc làm rõ thêm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, điều kiện kỹ thuật để được tách thửa, Quyết định 60 đã bổ sung một số quy định mới để khóa chặt lỗ hổng pháp lý, đó là ràng buộc rõ chức năng nhiệm vụ cụ thể của  các sở - ngành liên quan và trách nhiệm của chủ tịch UBND quận - huyện. Thửa đất có diện tích trên 2.000m2 phải lập dự án.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết sở được UBND TPHCM giao nhiệm vụ soạn thảo Quyết định 60. Trong quá trình xây dựng dự thảo, sở thường xuyên mời cán bộ các đơn vị liên quan và 24 quận - huyện tham gia ý kiến. Do vậy, Quyết định 60 sẽ tránh được tình trạng mỗi quận - huyện hiểu một cách, dẫn đến cách vận dụng khác nhau như đã gặp phải khi thực hiện Quyết định 33.  

Đưa Quyết định 60 đi vào cuộc sống

Từ khi Quyết định 60 có hiệu lực, nhiều người dân ở các quận - huyện đã đi làm thủ tục tách thửa để xin giấy phép xây dựng, nhưng cán bộ tiếp nhận thụ lý hồ sơ vẫn chưa làm thủ tục giải quyết tách thửa. Ông Đào Xuân Nam (ở  số 11/9 đường 33 khu phố 3, phường Bình Trưng Đông, quận 2) bức xúc phản ánh: “Các thủ tục tách thửa, cấp giấy chứng nhận và xin phép xây dựng vẫn đóng băng. Văn bản chỉ đạo từ thành phố xuống quận lâu quá”. Nhu cầu xin tách thửa rất lớn đang thành áp lực đè nặng lên chính quyền cơ sở. Theo phản hồi của các quận - huyện, chính quyền rất muốn giải quyết hồ sơ xin tách thửa nhưng chưa thể bắt tay vào việc, vì thiếu văn bản hướng dẫn của các sở - ngành.

Trong khi đó, ở một số nơi, tình trạng tách thửa, phân lô trái phép đã xảy ra. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, tình hình phân lô bán nền ở các quận vùng ven, huyện ngoại thành đang rất phức tạp; một số cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, rồi sau đó phân lô bán nền, dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư thiếu hạ tầng. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định 60 không chỉ ảnh hưởng đến người dân, mà còn tác động không nhỏ đến doanh nghiệp.

Theo quy định, một số sở - ngành liên quan và ngành điện, cấp nước phải có trách nhiệm làm văn bản hướng dẫn để quận - huyện căn cứ vào đó xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện. Cụ thể là: Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chế chung giải quyết tách thửa, hướng dẫn cho các quận - huyện thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn cụ thể về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống hạ tầng.

Sở Xây dựng hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra và xử lý vi phạm xây dựng… Sự chậm trễ của các sở ngành trong việc ra văn bản hướng dẫn đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Để Quyết định 60 đi vào cuộc sống, UBND TPHCM trên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng sớm ban hành văn bản hướng dẫn và có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị làm chậm, để chấm dứt tình trạng quyết định đã có hiệu lực nhưng vẫn phải nằm trên giấy.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP