Cởi nút thắt cho thị trường BĐS

Cập nhật 17/11/2010 15:30

Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện hội dung Nghị định 71 vừa được ban hành có thể coi là một động thái cởi trói cho thị trường BĐS vốn đang trong giai đoạn trầm lắng nhiều tháng qua. Tuy nhiên, dù đã có hiệu lực gần tháng nay nhưng những dấu hiệu tích cực mà nó mang đến cho thị trường vẫn chưa rõ rệt, các giao dịch BĐS thành công vẫn còn rất ít.


Hâm nóng thị trường


Nghị định 71 được xem là đã dáng một đòn mạnh vào đội ngũ những nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường BĐS bấy lâu nay, những tác động của Nghị định 71 đối với thị trường BĐS là không hề nhỏ nhưng nó thực sự cần thiết để thị trường phát triển theo đúng quỹ đạo.

Theo ông Nguyễn Đỗ Việt - Phó Tổng giám đốc Công ty Sông Đà Thăng Long nhận định, Thông tư 16 hướng dẫn thực hiện nội dung Nghị định 71 về lâu dài sẽ tác động tích cực tới thị trường BĐS. Đặc biệt, Thông tư sẽ khiến các nhà đầu tư thứ cấp giải tỏa phần nào cú sốc từ Nghị định 71. Qua đó, số lượng giao dịch sẽ phần nào được cải thiện, đưa thị trường thoát khỏi tình trạng đóng băng trong thời điểm cuối năm. Ông Việt cho rằng, nếu Thông tư 16 không được ban hành kịp thời thì thị trường BĐS trong mấy tháng cuối năm sẽ tiếp tục đóng băng, điều này sẽ dẫn tới những ảnh hưởng không tốt cho thị trường trong năm tiếp theo.

Thực tế, trước Thông tư 16, thị trường BĐS đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những thách thức đầu tiên phải nhắc đến đó là việc thiếu vốn khi ngân hàng đồng loạt thắt chặt tín dụng cho BĐS Bên cạnh đó, Nghị định 71 được ban hành như lệnh “khai tử” đối với những nhà đầu tư theo kiểu lướt sóng. Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là việc người mua không được sở hữu các loại giấy tờ pháp lý có dấu đỏ. Trước Thông tư 16, người mua muốn giao dịch phải thông qua ủy quyền có công chứng, nhưng loại hợp đồng ủy quyền này sẽ trở nên vô hiệu nếu một trong 2 bên gặp sự cố như tử nạn hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Trước những rủi ro ấy, nhiều người đã không giám bỏ tiền ra để tiến hành các giao dịch.

Thông tư 16 ra đời đã phần nào đáp ứng được mong mỏi của hầu hết các nhà đầu tư, họ như được cởi trói khi cho phép công chứng ủy quyền hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai. Theo đó, người mua sẽ trực tiếp đứng tên trong hợp đồng mua bán. Đại diện của văn phòng công chứng A1 cho biết, từ khi Thông tư 16 được ban hành, lượng người đến công chứng đã tăng lên đang kể so với trước kia. Như vậy, Thông tư 16 đã mở ra cơ hội để thị trường BĐS phát triển, người có nhu cầu thực sự nhưng chưa có giấy chứng nhận sẽ được công chứng chứng thực và được chủ đầu tư chấp nhận, sau này sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất.

Nhà đầu tư vẫn rụt rè


Những tín hiệu tích cực từ Thông tư 16 được thể hiện rõ ở một số dự án khu vực phía Tây Hà Nội và các dự án nằm dọc đường Lê Văn Lương kéo dài, các giao dịch này chủ là những giao dịch được quyền chuyển đổi tên trong hợp đồng góp vốn. Loại hợp đồng này đã được giao dịch từ khi Thông tư 16 có hiệu lực.

Mặc dù thị trường đã phần nào được “cởi trói” so với Nghị định 71 nhưng những kết quả mà nó đem lại cho thị trường BĐS đến thời điểm này cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn. Đại diện Sàn Giao dịch BĐS VNPT Land cho biết, lượng giao dịch tuy có tăng nhưng không đáng kể. Lượng người hỏi mua đã tăng lên nhưng cũng chỉ với động cơ khảo sát, nghe ngóng thị trường. Giao dịch thành công nếu có chỉ là những dự án có mức giá vừa phải, hợp lý, thuận lợi về giao thông, chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ… Ngược lại, nhiều dự án không khả thi, như xa trung tâm, không thuận đường đi lại, giá lại không hợp lý thì cũng không có giao dịch.

Một trong những lý do được các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực BĐS đưa ra là quy định có phần thắt chặt hơn cho các doanh nghiệp BĐS khi tham gia chuyển nhượng hợp đồng mua bán. Thông tư 16 quy định, những trường hợp không có chức năng kinh doanh BĐS (cá nhân, hộ gia đình) được chuyển nhượng các hợp đồng mua bán khá dễ dàng. Ngược lại, các đơn vị có chức năng kinh doanh BĐS, trước khi thực hiện việc chuyển nhượng, các doanh nghiệp phải đảm bảo việc đăng ký giấy phép kinh doanh, phải có vốn pháp định và phải công khai, minh bạch việc mua bán BĐS thông qua sàn… Việc quản lý chặt chẽ như vậy cũng góp phần kìm hãm sự sôi động trong giao dịch của thị trường BĐS.

Tuy nhiên, một liệu pháp khác cho thị trường BĐS lúc này chính là quy định được phép phát triển và giao dịch loại hình chung cư mini. Trên thực tế, loại hình này đã phát triển khá sôi động ở Hà Nội trong vài năm trở lại đây. Khi loại hình chung cư mini được công nhận- chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận.

DiaOcOnline.vn - Theo VCCI