Chiều 6/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thông tin nhanh với phóng viên về nội dung cho thuê đất thời hạn 99 năm được quy định trong dự thảo Luật về đặc khu kinh tế.
Trao đổi với phóng viên trước ý kiến khác nhau liên quan đến thời gian thuê đất 99 năm được quy định trong dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Quốc hội đang tính phương án lấy ý kiến đại biểu Quốc hội như thế nào, có lấy phiếu xin ý kiến hay không.
Trả lời câu hỏi Quốc hội có cân nhắc điều chỉnh thời gian thuê đất đặc khu (99 năm) hay không, ông Uông Chu Lưu cho, việc này cần phải chờ ý kiến của các đại biểu và đơn vị liên quan.
“Vấn đề bây giờ phải tính xem lấy phiếu thế nào hay có lấy phiếu hay không”, ông Uông Chu Lưu nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
|
Trước đó, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội về việc điều chỉnh quy định cho thuê đất 99 năm ở đặc khu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, theo ông Dũng, "có thể thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép cho thuê 99 năm ở đặc khu. Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền phải cao hơn".
Trước lo ngại, nếu giao đất tới 99 năm dễ dẫn tới những cuộc di dân từ nước ngoài vào các đặc khu, Bộ trưởng Dũng cho rằng, việc này đã có nhiều luật quy định, điều chỉnh việc người nước ngoài mua, sở hữu đất ở Việt Nam như Luật Nhà ở. "Với những quy định chặt chẽ của hệ thống pháp luật hiện giờ không dễ gì để họ di dân", ông Dũng khẳng định.
Trước ý kiến của đại biểu là không nên đánh đổi quốc phòng an ninh lấy phát triển kinh tế, ông Dũng khẳng định: "Trong thiết kế luật không có điều khoản nào nói “đánh đổi” cả. Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân.
Các dự án phải nằm trong quy hoạch. Các quy hoạch đó không được xâm phạm tới an ninh quốc gia, môi trường, người dân, chủ quyền. Dự án phải có mục tiêu và ta quản lý theo dự án, quy hoạch, mục tiêu nên không sợ gì. Họ làm sai quy hoạch thì ta không cho, sai mục tiêu thì ta không cho. Họ không làm thì ta thu hồi đất…
Những điều này đều có luật pháp điều chỉnh. Không có điều khoản nào nói đánh đổi cả. Thận trọng là đúng, nhưng tinh thần luật không phải vậy. Dư luận không nên nghĩ theo chiều hướng này”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định: Dự thảo luật về đặc khu không có một chữ nào về "Trung Quốc".
"Có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, gây chia rẽ quan hệ của ta với Trung Quốc.
Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các nước. Môi trường hội nhập quốc tế chúng ta đang mở nên bình đẳng hết, không hạn chế người này người khác. Cũng không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền”, ông Dũng khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong